Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được giao kiểm tra an toàn 120 Quỹ Tín dụng nhân dân trong năm 2025
Trong năm 2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam kiểm tra an toàn đối với 120 Quỹ Tín dụng nhân dân, cao gấp 1,6 lần so với năm 2024.

Tại buổi làm việc với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) vào ngày 1/4/2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Ngọc Cảnh thông tin, năm 2025, Thống đốc NHNN đã giao cho BHTGVN kiểm tra an toàn đối với 120 Quỹ Tín dụng nhân dân, cao gấp 1,6 lần so với năm 2024.
Thời gian tới, trong bối cảnh NHNN vừa thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, Phó Thống đốc yêu cầu BHTGVN cần phối hợp chặt chẽ, đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ các chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN, nhất là đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân.
Hiện nay, với tổng nguồn vốn đạt hơn 126 nghìn tỷ đồng và quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt gần 120 nghìn tỷ đồng, BHTGVN bảo vệ cho trên 123 triệu lượt người gửi tiền tại 1.277 tổ chức tham gia BHTG.
Công tác kiểm tra thực hiện kiểm tra đối với 120 Quỹ Tín dụng nhân dân tập trung vào các nội dung kiểm tra về quản lý và sử dụng ấn chỉ; huy động tiền gửi tiết kiệm; hoạt động cho vay, phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; giới hạn cho vay và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Ngoài các nội dung kiểm tra theo yêu cầu của NHNN, BHTGVN cho biết sẽ thực hiện lồng ghép kiểm tra việc chấp hành một số quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi tại các Quỹ Tín dụng nhân dân.
Trước đó, báo cáo kết quả kiểm tra đối với 75 QTDND được NHNN giao trên địa bàn 30 tỉnh/thành phố năm 2024 của BHTGVN cho biết, công tác kiểm tra vẫn phát sinh một số vướng mắc về thời gian, nguồn lực và nhân lực.
Một trong số nguyên nhân xuất phát từ việc vai trò kiểm tra của BHTGVN chưa được luật hóa cụ thể, dẫn đến thiếu thống nhất trong phối hợp giữa các bên.
Bên cạnh đó, thẩm quyền của đoàn kiểm tra BHTGVN còn hạn chế, khiến một số yêu cầu đối chiếu hồ sơ với khách hàng gặp khó khăn do tâm lý e ngại từ phía người gửi tiền.
Cũng tại buổi làm việc, ông Đặng Duy Cường - Tổng Giám đốc BHTGVN cho biết, hệ thống cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động BHTG được thực hiện tương đối đồng bộ.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm có hiệu lực, Luật BHTG đã có một số điểm thể hiện sự bất cập trong thực tiễn, chưa phù hợp với sự phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng, hoạt động của BHTG và cần phải có điều chỉnh trong thời gian tới.
Do đó, lãnh đạo BHTGVN đề xuất NHNN quan tâm, tập trung nguồn lực đẩy nhanh quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG...
Đối với Luật BHTG, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, ban lãnh đạo NHNN đã phê duyệt chủ trương nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật BHTG trong năm 2025.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, quan điểm xây dựng Luật cần có tầm nhìn dài hạn; BHTGVN không chỉ thực hiện vai trò thu phí, chi trả mà còn cần đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm, tham gia tích cực vào quá trình xử lý TCTD yếu kém phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hệ thống TCTD tại Việt Nam.
Để thực hiện được các vai trò nói trên, BHTGVN cần tích lũy được nguồn lực tài chính phù hợp. Đối với hoạt động đầu tư của BHTGVN, Phó Thống đốc đề nghị mở rộng danh mục đầu tư nguồn vốn của BHTGVN gắn với cơ chế kiểm soát rủi ro hiệu quả.