Bất động sản xanh: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp

Thanh Hằng

Khi biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và yêu cầu về phát triển bền vững trở thành xu hướng toàn cầu, bất động sản xanh trở thành một chiến lược cạnh tranh cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển bền vững với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Xanh hóa dự án là lợi thế trong cuộc đua bất động sản

Trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu mạnh mẽ để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2025, bất động sản - lĩnh vực chiếm tới khoảng 39% tổng lượng phát thải khí nhà kính (bao gồm quá trình xây dựng và vận hành công trình), cũng đang có những chuyển dịch tích cực nhằm đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia.

Khách hàng đang hướng tới “sống xanh – sống bền vững”.
Khách hàng đang hướng tới “sống xanh – sống bền vững”.

Theo Báo cáo Tổng quan Thị trường Công trình Xanh Việt Nam năm 2024 của Hệ thống chứng nhận EDGE và Tổ chức Tài chính quốc tế, thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB), cả nước đã có tổng cộng 559 công trình đạt chứng nhận xanh, với diện tích sàn đạt 13,6 triệu m². Bên cạnh đó, có tới 31.384 căn hộ, 3.234 nhà ở riêng lẻ đạt chứng nhận xanh.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 56,45% trong tổng số công trình xanh, tiếp theo là các công trình văn phòng (15,61%) và chung cư (14,15%). Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của công trình xanh trong năm 2024 đã được ghi nhận, với 163 công trình xanh được chứng nhận, gấp 2,1 lần so với năm 2023 và gấp 3 lần so với năm 2022.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy công trình xanh đang dần trở thành xu hướng phát triển của ngành xây dựng tại Việt Nam. Việc phát triển các công trình xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn là chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho các chủ đầu tư khi nhu cầu mua bất động sản xanh của người mua và nhà đầu tư gia tăng.

Trong bối cảnh ô nhiễm tại các thành phố lớn ngày càng gia tăng, nhóm người trẻ ngày càng quan tâm đến không gian sống xanh và tiêu chuẩn môi trường khi lựa chọn nhà ở. Họ ưu tiên trải nghiệm sống trong môi trường không khí trong lành, ánh sáng tự nhiên...

Không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, bất động sản xanh đang trở thành “vé thông hành” để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn quốc tế. Nhiều quỹ đầu tư hiện nay đặt tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) làm điều kiện tiên quyết. Doanh nghiệp có dự án xanh dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức như IFC, ADB hay các ngân hàng thương mại đang triển khai các gói tín dụng xanh tại Việt Nam.

Xu hướng tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là nhóm người trẻ và giới trung lưu, cũng đang thay đổi theo hướng “sống xanh – sống bền vững”. Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn về tâm lý khách hàng cuối năm 2024 cho thấy, 86% người tham gia khảo sát quan tâm đến việc mua một ngôi nhà xanh và 88% người sẵn sàng trả thêm tiền cho ngôi nhà xanh.

Không chỉ người tiêu dùng trong nước, các nhà đầu tư quốc tế - đặc biệt từ châu Âu và Singapore cũng đặt tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị) lên hàng đầu trong các quyết định rót vốn. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các chủ đầu tư bất động sản tại Việt Nam.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ, so với việc phát triển các dự án bất động sản thông thường, việc phát triển các dự án xanh còn giúp các chủ đầu tư hưởng lợi về mặt chính sách khi Nhà nước đã và đang có nhiều hành động đồng bộ để thúc đẩy phát triển công trình xanh.

Tuy nhiên, so với số lượng lớn các dự án nhà ở được cung cấp ra thị trường mỗi năm thì số lượng các dự án, công trình xanh vẫn còn khá khiêm tốn. Dù đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhưng bất động sản xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Một trong những rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cao, khiến nhiều chủ đầu tư ngần ngại triển khai mô hình xanh do lo ngại khó thu hồi vốn trong ngắn hạn. Thiếu cơ chế khuyến khích cụ thể từ phía Nhà nước, chẳng hạn như ưu đãi thuế, tín dụng xanh hay hỗ trợ thủ tục pháp lý, cũng làm giảm động lực tham gia thị trường này.

Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng và cả nhà phát triển bất động sản về giá trị thực sự của công trình xanh vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng công trình xanh chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp, chưa lan tỏa rộng ra thị trường đại chúng.

Theo ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, chính sách về công trình xanh chưa đồng bộ khi các quy định về phát triển công trình xanh còn nằm rải rác ở những văn bản luật khác nhau của các bộ, ngành. Mặt khác, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công trình xanh vẫn còn khá hạn chế, chưa có những quy định thật cụ thể nên chưa thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng phát triển xanh…

Mặc dù có những thách thức trên, song các chuyên gia nhận định xu hướng tạo lập các dự án công trình xanh “trung hòa carbon” và đạt chứng chỉ xanh tại Việt Nam là tất yếu.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cần tích cực cập nhật các tiêu chuẩn xanh quốc tế như EDGE, LEED, LOTUS, từ đó lồng ghép các yêu cầu tiết kiệm năng lượng, vật liệu bền vững và giải pháp công nghệ ngay từ giai đoạn thiết kế, quy hoạch.

Về phía Nhà nước, các chuyên gia của VARS kiến nghị, để thúc đẩy xu hướng này lan rộng, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và hành lang pháp lý liên quan đến công trình xanh, phát triển đô thị carbon thấp và trung hòa khí thải.

Đồng thời, thiết kế các chính sách ưu đãi cụ thể cho dự án đạt chứng chỉ xanh như: ưu tiên phê duyệt quy hoạch, giảm thuế sử dụng đất, ưu đãi tín dụng hoặc khuyến khích qua chỉ tiêu đấu thầu sử dụng đất. Song song với việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn, nhà thầu, cán bộ quản lý quy hoạch và thanh tra xây dựng để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi triển khai trên thực tế.