Cải cách quản lý thuế hộ kinh doanh: Phân loại theo doanh thu, tăng ngưỡng chịu thuế
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hiện đang được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến rộng rãi, trong đó đề xuất nhiều cải cách quan trọng đối với phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Theo dự thảo Luật, các hộ kinh doanh sẽ được phân nhóm theo ngưỡng doanh thu để áp dụng mức thuế phù hợp, đồng thời được khuyến khích sử dụng công nghệ số nhằm hiện đại hóa công tác kê khai và nộp thuế.
Đề xuất chia 4 nhóm hộ kinh doanh theo doanh thu
Tại buổi họp báo quý II/2025 của Bộ Tài chính, ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, mới đây, Cục Thuế đã đăng tải dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.
Một trong những nội dung trọng tâm được đề xuất trong dự thảo Luật là định hướng đổi mới phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ. Việc chuyển đổi phương thức quản lý không chỉ là nhu cầu cải cách, mà còn xuất phát từ tổng kết thực tiễn quản lý nhiều năm qua. Việc áp dụng các nguyên tắc mới sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng cho hộ kinh doanh.
Theo Phó Cục trưởng Mai Sơn, trên thực tế, có hai nhóm hộ kinh doanh đang tồn tại song song. Một nhóm là các hộ kinh doanh mưu sinh, tự sản tự tiêu, buôn bán nhỏ tại các chợ, cửa hàng tạp hóa – nhiều trường hợp nằm dưới ngưỡng nộp thuế hoặc chỉ cao hơn một chút.
Nhóm còn lại là các hộ kinh doanh quy mô lớn, hoạt động trải dài trên nhiều địa bàn, thậm chí ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, kinh doanh đa ngành nghề như chuỗi ăn uống, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, xây dựng, làm đẹp... Đây là những đơn vị hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện hạch toán kế toán, sử dụng hóa đơn điện tử và kê khai thuế đầy đủ. Việc cải cách phương thức quản lý không chỉ để đảm bảo công bằng về thuế, mà còn giúp hộ kinh doanh tiết giảm chi phí, minh bạch hóa hoạt động sản xuất – kinh doanh và từng bước chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp khi đủ điều kiện.
Tại dự thảo Luật đang lấy ý kiến, cơ quan thuế đề xuất chia hộ kinh doanh thành 4 nhóm theo ngưỡng doanh thu để áp dụng phương thức quản lý và nghĩa vụ thuế phù hợp: Nhóm 1: Dưới 200 triệu đồng/năm; Nhóm 2: Từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm; Nhóm 3: Từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/năm (đối với nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng) hoặc từ 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng (đối với thương mại, dịch vụ); Nhóm 4: Trên 10 tỷ đồng/năm.
Với nhóm 1 và 2, ngành Thuế khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử và hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ thuế phù hợp với khả năng thực tế. Từ nhóm 3 trở lên sẽ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử và thực hiện nghĩa vụ kế toán – kê khai (tương tự như doanh nghiệp siêu nhỏ).
Đặc biệt, một đề xuất quan trọng đang được xin ý kiến là nâng mức doanh thu tối thiểu chịu thuế từ 100 triệu đồng lên 400 triệu đồng/năm, nhằm phù hợp với bối cảnh mới. Cơ sở xác định mức này được tính toán dựa trên ngưỡng giảm trừ gia cảnh áp dụng với người lao động làm công ăn lương, đồng thời tính đến hiệu suất kinh doanh trung bình của từng nhóm ngành. Đây là kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia kinh tế và là một phần trong nỗ lực đồng bộ hóa giữa chính sách thuế thu nhập cá nhân và chính sách quản lý thuế đối với người kinh doanh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hộ kinh doanh "số hóa"
Ngành Thuế cũng đặt mục tiêu hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi từng bước lên mô hình doanh nghiệp. Để làm được điều đó, theo ông Mai Sơn, điều kiện tiên quyết là ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là hóa đơn điện tử và công cụ kê khai thuế qua thiết bị điện tử thông minh, giúp hộ kinh doanh giảm chi phí, thời gian, đồng thời quen dần với phương thức quản lý hiện đại.
"Việc triển khai hóa đơn điện tử từ năm 2022 đến nay đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhiều hộ kinh doanh đã làm quen và thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế qua phương thức điện tử. Từ kết quả này, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu giải pháp đơn giản hơn, như ứng dụng trên điện thoại thông minh, để hỗ trợ những hộ có mức doanh thu thấp thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng, không gặp khó khăn", ông Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, Cục Thuế đang phối hợp với các đơn vị như Cục Kinh tế tư nhân để nghiên cứu lại khái niệm "hộ kinh doanh" theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế. Trên thế giới, mô hình này thường được hiểu là cá nhân kinh doanh – tương đương doanh nghiệp siêu nhỏ, chứ không tách biệt hoàn toàn như tại Việt Nam.
Về cách tính thuế, thay vì phương pháp "khoán" cứng theo doanh thu như trước đây, cơ quan thuế đang nghiên cứu xác định tỷ suất lợi nhuận bình quân theo ngành nghề, kết hợp với thuế suất thu nhập và thuế giá trị gia tăng để đảm bảo công bằng, minh bạch.
Ông Mai Sơn khẳng định: "Chúng tôi tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý từ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Tới đây sẽ có các hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các phóng viên, chuyên gia và hiệp hội để hoàn thiện dự thảo luật. Mục tiêu cuối cùng là có một chính sách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh hiệu quả, hiện đại, tạo điều kiện cho phát triển bền vững và phù hợp với chuyển động của nền kinh tế số".