Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua khẩn trương hoàn thiện thể chế, pháp luật

Hữu Hòe

Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật thuộc thẩm quyền được giao.

Còn hạn chế, bất cập

Thời gian qua, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã có những bước tiến tích cực. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Theo đó, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng còn vướng mắc, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; quá trình rà soát, sửa đổi còn chậm. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, trong đó có những quy định, điều kiện thiếu rõ ràng, không hợp lý, không phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng chậm được sửa đổi như: Quy định về sử dụng nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu, xét nghiệm kháng sinh cấm trong thủy sản; quản lý nhập khẩu máy móc theo tuổi thiết bị (10 năm) mà không căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn công nghệ…; còn tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, tuy nhiều nội dung vướng mắc, bất cập pháp lý đã được rà soát, tháo gỡ, nhưng còn thiếu hướng dẫn hoặc chưa bao trùm hết các tình huống thực tiễn, dẫn đến lúng túng trong áp dụng.

Thêm vào đó, hành lang pháp lý trong một số lĩnh vực chưa đầy đủ, khâu thực thi chưa thực sự hiệu quả. Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên thông còn hạn chế.

Ngoài ra, một số phần mềm do Bộ, ngành Trung ương triển khai chưa kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương…

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì buổi làm việc với các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn về phản ánh khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất phương án xử lý.

“Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, hiện nay có 3 nhóm vấn đề chính cần rà soát, bao gồm: Rà soát chung do Bộ Tư pháp chủ trì để xem xét tổng thể khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật để có hướng xử lý; rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực đầu tư tài chính và nhóm liên quan đến pháp luật về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.”, ông Tú cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, có 3 nhóm khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật gồm: Các quy định pháp luật bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau dẫn đến không làm được, thực hiện theo văn bản này thì vướng văn bản kia; nhóm không khả thi trên thực tế, không áp dụng được; chi phí tuân thủ cao, chưa điều chỉnh được các vấn đề mới nhằm khơi thông nguồn lực.

Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp

Để tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp trong tháng 7/2025, khẩn trương trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 197/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật…

Bộ Tài chính còn báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì theo dõi, đôn đốc bảo đảm tiến độ triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đồng thời, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tham mưu, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật để tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn để sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản theo thẩm quyền.

Phát biểu tại buổi làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn về phản ánh vướng mắc do quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cho biết, để triển khai nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Kế hoạch của Đảng ủy Chính phủ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

Theo Dự thảo, Kế hoạch nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật. Xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ rà soát, cho ý kiến về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.

“Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo đảm chỉ đạo hiệu quả, xác định đúng, xử lý kịp thời, dứt điểm khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tham vấn rộng rãi và thực chất đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, nhất là về các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật”, ông Tú cho hay.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, cũng như các bên liên quan, Bộ Tư pháp đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch, để trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai vào cuộc sống.