Chính sách thị thực linh hoạt là đòn bẩy cho du lịch phát triển
Chính là chính sách thị thực thông thoáng, thuận tiện là một trong những điều kiện tiên quyết để du lịch Việt thu hút được đông đảo du khách quốc tế, qua đó tăng thu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Trao đổi tại phiên thảo luận với chủ đề “Cải thiện hệ thống hạ tầng du lịch nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách” trong khuôn khổ Hội nghị Bàn tròn Du lịch ASEAN - Hàn Quốc tổ chức tại Đà Nẵng chiều 2/7, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định: Chính sách thị thực linh hoạt tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.

Minh chứng cho nhận định này, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã chia sẻ về chính sách thị thực ở Việt Nam. Theo đó, từ năm 2023, Việt Nam chính thức cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời hạn lên đến 90 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần.
Bên cạnh đó, 27 quốc gia được miễn thị thực, trong đó có chương trình miễn thị thực ngắn hạn cho Thụy Sĩ, Ba Lan và Cộng hòa Séc từ ngày 1/3/2025 - 31/12/2025. Đây là bước tiến mạnh mẽ hướng tới mục tiêu biến Việt Nam thành điểm đến thuận tiện, thân thiện và dễ tiếp cận hơn cho du khách toàn cầu.
Nhờ chính sách thị thực linh hoạt, thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể. Cục trưởng đã chỉ ra những con số ấn tượng như: Năm 2024, du lịch Việt đã đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với năm trước; tổng thu du lịch đạt 840 nghìn tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, với 9,2 triệu lượt khách, hướng đến mục tiêu 23 triệu lượt khách trong cả năm.
Tuy vậy, ngay trong khu vực ASEAN vẫn tồn tại sự thiếu đồng bộ trong miễn thị thực nội khối, cùng những bất cân xứng trong chính sách thị thực giữa Hàn Quốc và nhiều quốc gia ASEAN (trong đó có Việt Nam) đang hạn chế du lịch liên quốc gia. Do đó, việc nâng cấp chính sách thị thực theo hướng minh bạch, linh hoạt và số hóa là một định hướng chiến lược cần tiếp tục được thúc đẩy.
Cục trưởng cho rằng, ngoài mở rộng danh sách miễn thị thực, cần có chính sách ưu đãi cho những nhóm khách đặc biệt như nghệ sĩ quốc tế, đoàn làm phim hay đại sứ du lịch - những người có khả năng lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Để du lịch Việt Nam - ASEAN và Hàn Quốc phát triển hơn nữa, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ.
Trước tiên là việc triển khai các biện pháp mới nhằm tạo thuận lợi về thị thực. Kêu gọi các đối tác và đồng nghiệp Hàn Quốc mở rộng chương trình K-ETA cho tất cả các quốc gia ASEAN. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng có thể xem xét miễn thị thực hoặc áp dụng các loại thị thực thuận lợi cho một số quốc gia ASEAN, đặc biệt là các quốc gia có lượng lớn du khách, được đánh giá là ít rủi ro và có thể được triển khai theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, cùng phát triển các chương trình thị thực nhiều lần nhập cảnh và lưu trú dài hạn. Theo Cục trưởng, trước xu hướng du lịch kết hợp công tác (bleisure) và sự gia tăng lao động từ xa (digital nomads), ASEAN và Hàn Quốc có thể nghiên cứu triển khai thị thực dài hạn, có giá trị nhiều lần nhập cảnh cho doanh nhân, lao động từ xa và du khách quay lại.
Thêm nữa, cần tăng cường phối hợp thể chế giữa ngành du lịch và các ngành liên quan. Các tổ chức du lịch quốc gia (NTOs) của ASEAN và Hàn Quốc nên phối hợp chặt chẽ trong việc hoạch định chính sách di chuyển. Các cơ quan liên ngành như du lịch, ngoại giao, công an và giao thông vận tải nên hợp tác để xây dựng chính sách thị thực hướng đến phát triển du lịch.
Một điểm cũng đặc biệt quan trọng được Cục trưởng nhấn mạnh là nâng cao truyền thông về chính sách thị thực. Quy trình xin thị thực cần đơn giản hóa, minh bạch và dễ tiếp cận. Cục trưởng khuyến nghị xây dựng một cổng thông tin trực tuyến tập trung, cung cấp thông tin đa ngôn ngữ về các loại thị thực, quy trình và yêu cầu cụ thể. Website du lịch ASEAN hiện tại có thể đảm nhiệm vai trò này, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức du lịch ASEAN và Hàn Quốc, đảm bảo tính cập nhật và dễ truy cập cho người dùng.
Điểm cuối cùng, theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, cần đơn giản hóa thủ tục xin thị thực bằng công nghệ số, như vậy sẽ nâng cao hiệu quả xử lý, giảm gánh nặng hành chính. Việc mở rộng hình thức thị thực điện tử (e-visa) cũng phù hợp với xu hướng số hóa và giúp tiếp cận thị thực nhanh chóng và thuận tiện hơn.