Chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm: Cơ hội tái định giá trong hành trình khác biệt

Khánh Hạ

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn bản lề, với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thử thách. Trong giai đoạn này, chỉ những nhà đầu tư kiên định với giá trị dài hạn, biết chọn lọc cơ hội và giữ vững chiến lược mới có thể đi đường dài cùng thị trường.

VN-Index khép lại tháng 6/2025 ở mức 1.376 điểm, tăng 8,6% so với đầu năm.
VN-Index khép lại tháng 6/2025 ở mức 1.376 điểm, tăng 8,6% so với đầu năm.

Tăng trưởng vững vàng trong bất định, chứng khoán tìm thấy điểm tựa

Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức bật ấn tượng khi đạt mức tăng trưởng GDP 7,5%. Dù thấp hơn mục tiêu 8% đề ra, con số này vẫn phản ánh khả năng bền bỉ của nền kinh tế trong một môi trường quốc tế đầy biến động. Các động lực chính đến từ tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư công (tăng 19,8%), dòng vốn FDI tăng trưởng tích cực (tăng 32,6%) và tiêu dùng nội địa cùng xuất khẩu giữ được đà ổn định. Đặc biệt, việc Việt Nam sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ đã giúp giảm áp lực từ chính sách thuế đối ứng, từ đó góp phần duy trì môi trường vĩ mô tương đối thuận lợi trong bối cảnh chính sách thương mại toàn cầu liên tục xoay chiều.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nền kinh tế đang vận hành trên 2 trục chính: Cải cách thể chế và Tthích ứng với xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu. Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng tiếp tục giữ chính sách nới lỏng một cách có kiểm soát thay vì cắt giảm lãi suất mạnh tay, trong khi các cải cách thể chế, bao gồm đơn giản hóa hành chính, sáp nhập bộ máy và triển khai cơ chế đặc thù, đang mở rộng đáng kể dư địa tăng trưởng – đặc biệt đối với khu vực tư nhân.

Chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm: Cơ hội tái định giá trong hành trình khác biệt - Ảnh 1

Trên TTCK, sự cải thiện rõ rệt về thanh khoản cũng phản ánh sự quay trở lại của dòng tiền nội địa. Tính đến cuối tháng 6, VN-Index đạt 1.376 điểm, tăng 8,6% so với đầu năm và vượt trội hơn nhiều thị trường trong khu vực. Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 17.129 tỷ đồng/phiên, tăng 26,3%. Tuy nhiên, lực mua không đến từ khối ngoại – vốn tiếp tục bán ròng gần 40.000 tỷ đồng, tập trung ở nhóm công nghệ và bất động sản – mà chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, những người đang đóng vai trò giữ nhịp chính cho thị trường.

VDSC dự báo, VN-Index vẫn còn dư địa tăng giá trong nửa cuối năm, với 2 kịch bản được xây dựng. Ở kịch bản cơ sở, nếu EPS toàn thị trường tăng 15% và P/E đạt 13,3 lần, chỉ số có thể lên mức 1.513 điểm. Trong kịch bản tích cực hơn, EPS tăng 22% và P/E đạt 14,7 lần, VN-Index có thể hướng tới vùng 1.758 điểm. Dù vậy, sự phụ thuộc lớn vào dòng tiền cá nhân khiến thị trường dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý ngắn hạn. Do đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào doanh nghiệp có nền tảng tốt và triển vọng dài hạn, thay vì chỉ dựa vào kỳ vọng ngắn hạn.

 

Nửa cuối năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn bản lề với những biến chuyển sâu sắc về cả vĩ mô lẫn chính sách. Trong khi bối cảnh toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, Việt Nam lại đang đứng trước những cơ hội mang tính chiến lược để khẳng định vị thế. Tinh thần “Độc đạo” – kiên định, bản lĩnh và sẵn sàng đi đường riêng – được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chọn làm kim chỉ nam cho giai đoạn này.

Chuyển mình để dẫn đầu: Động lực mới của thị trường Việt Nam

Trong bức tranh trung hạn, thị trường Việt Nam đang được tiếp sức bởi ba động lực then chốt: cải cách thể chế, kỳ vọng nâng hạng thị trường và sự chuyển mình từ phía doanh nghiệp. Về cải cách, hàng loạt nghị quyết cấp cao như Nghị quyết 66, 68 cùng kế hoạch tinh gọn bộ máy từ trung ương đến địa phương đang được triển khai mạnh mẽ. Việc giảm số tỉnh từ 63 xuống 34, áp dụng mô hình chính quyền hai cấp từ tháng 7/2025 là một trong những ví dụ điển hình cho quyết tâm thay đổi cấu trúc vận hành nền kinh tế theo hướng hiệu quả và linh hoạt hơn.

Thị trường sẽ sàng lọc rõ ràng đâu là những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn
Thị trường sẽ sàng lọc rõ ràng đâu là những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn

Song song với đó, kỳ vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi tiếp tục được duy trì với hàng loạt điều kiện đang dần được đáp ứng: từ nâng cấp hạ tầng giao dịch, áp dụng cơ chế T+1, tài khoản định danh cho đến việc sửa đổi Luật Chứng khoán. Đây không chỉ là câu chuyện mang tính biểu tượng, mà còn mở ra cánh cửa mới cho dòng vốn tổ chức, đặc biệt là các quỹ ETF thụ động vốn còn bị giới hạn bởi rào cản phân loại thị trường.

 

TTCK Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với sự cộng hưởng của thanh khoản dồi dào, định giá còn hấp dẫn, cải cách thể chế sâu rộng và kỳ vọng nâng hạng thị trường. Nhưng cơ hội chỉ đến với những nhà đầu tư đủ kiên định, có tầm nhìn và sẵn sàng đi đường dài với thị trường.

Trong khi đó, một làn sóng sàng lọc đang diễn ra rõ nét trong nội tại doanh nghiệp niêm yết. Chính sách và dòng tiền đang tạo áp lực để doanh nghiệp phải chuyển đổi, minh bạch và tối ưu vận hành. Chỉ những đơn vị có năng lực quản trị tốt, thích nghi nhanh và duy trì được định hướng phát triển dài hạn mới có thể giữ được niềm tin nhà đầu tư. Trong giai đoạn thị trường phân hóa sâu, đây chính là lúc các nhà đầu tư cần kiên định với con đường “độc đạo” – lựa chọn doanh nghiệp bằng giá trị thật thay vì chạy theo kỳ vọng nhất thời.