Định vị Việt Nam trong nền kinh tế số: Cơ hội từ chiến lược tài sản số quốc gia

Thanh Hằng

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản số - một lĩnh vực còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng. Các chuyên gia nhận định nếu tận dụng đúng thời điểm và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, Việt Nam có thể trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp tài sản số trong khu vực, thậm chí vươn tầm quốc tế.

Thời điểm vàng không thể bỏ lỡ

Tại buổi Tọa đàm “Chiến lược quốc gia về tài sản số: Chính sách cho đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu” do Báo Lao Động tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định, Việt Nam đang sở hữu cơ hội vàng để bứt phá và định vị vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực tài sản số - một trong những trụ cột của nền kinh tế số toàn cầu.

Tọa đàm “Chiến lược quốc gia về tài sản số: Chính sách cho đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu”.
Tọa đàm “Chiến lược quốc gia về tài sản số: Chính sách cho đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu”.

Trong bối cảnh thế giới đang ghi nhận tốc độ phát triển vượt bậc của thị trường tài sản số, với những động thái tích cực từ các cường quốc kinh tế như Mỹ và các tổ chức tài chính lớn như BlackRock, Việt Nam cũng cho thấy sự bắt nhịp nhanh với xu thế. Nhiều dự thảo và chính sách liên quan đến tài sản số đang được khẩn trương xây dựng, tạo nền móng cho một khung pháp lý minh bạch và thích ứng.

Theo ông Richard Teng - CEO Binance, Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong bức tranh phát triển tài sản số toàn cầu. Ông đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam, không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai khi các quy định pháp lý rõ ràng được thiết lập.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Cường- nguyên Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ khi bắt đầu định hình hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. Sáu điểm nhấn được ông chỉ ra gồm: Việc tài sản số được đưa vào danh sách đối tượng nghiên cứu, khung pháp lý đang từng bước hình thành, sự chủ động của các địa phương lớn, cũng như sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

“Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển lĩnh vực tài sản số thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế số, đồng thời tạo đà tăng trưởng mới cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc xây dựng luật trong lĩnh vực quá mới và thay đổi nhanh như tài sản số cũng là bài toán khó với mọi quốc gia, không riêng gì Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhận định.

Cần một khung pháp lý thông minh và mở

Tháng 6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số, lần đầu tiên tài sản số được đưa vào khung pháp lý quốc gia. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, đánh dấu bước ngoặt lớn cho ngành mới đầy triển vọng này.

Dù vậy, theo PGS.TS Nguyễn Bình (Đại học RMIT), vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt với các mảng như chứng khoán số hay tiền pháp định trên sổ cái, những lĩnh vực tiềm năng nhưng phức tạp và rủi ro cao. Nếu không có khung pháp lý rõ ràng, sẽ rất khó để bảo vệ quyền lợi người dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung - CEO Sky Mavis cho biết, ông ấn tượng khi các nhà lập pháp Việt Nam tiếp cận khá sớm với công nghệ tài sản số. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại về xu hướng "quá thận trọng" trong một số dự thảo luật. Ví dụ, dự thảo nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa hiện đang quy định: Nếu hoạt động không được nêu cụ thể trong luật thì sẽ bị cấm, điều này đi ngược lại với tinh thần đổi mới và có thể hạn chế sự phát triển của các công ty công nghệ.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Huy Vũ - CEO Kyber Network cho rằng, việc ban hành luật là điều cần thiết để mở ra môi trường phát triển minh bạch và ổn định. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, nhiều sản phẩm hiện tại tưởng chừng nhỏ bé nhưng trong 3-5 năm tới có thể trở thành những nền tảng cốt lõi. Nếu luật quá cứng nhắc và không đủ độ mở, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn.

Nêu quan điểm tương tự, ông Richard Teng cũng đồng tình rằng công nghệ giống như dòng nước dù có bị chặn lại, nó vẫn sẽ tìm được đường chảy. “Thay vì cố gắng ngăn cản, điều quan trọng là cần định hướng đúng. Một khung pháp lý thông minh sẽ giúp chúng ta vừa kiểm soát rủi ro, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo”, ông Richard Teng chia sẻ.

Theo ông Richard Teng, nếu được xây dựng đúng cách, ngành tài sản số không chỉ là một kênh đầu tư tiềm năng, mà còn có thể trở thành công cụ hữu hiệu để tăng cường tính minh bạch, hỗ trợ phòng chống rửa tiền và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

"Việt Nam đang có cơ hội lớn để đi đầu trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản số, điều này không chỉ giúp nắm bắt xu thế toàn cầu mà còn tạo vị thế chủ động trong cuộc đua công nghệ tương lai", ông Richard Teng nhấn mạnh.