Đầu tư từ các quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý: Đảm bảo rõ ràng, công khai

Hữu Hòe

Bộ Tài chính đề xuất nhiều nội dung mới tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2016/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Nghị định số 30/2016/NĐ-CP).

Tại hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị định số 30/2016/NĐ-CP, hoạt động đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, việc khắc phục tình trạng này đang đặt ra bức thiết.

Theo Bộ Tài chính, mục đích của việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 30/2016/NĐ-CP là nhằm quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý theo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, để đảm bảo rõ ràng, công khai trong quá trình thực hiện

 

Theo Bộ Tài chính, dự kiến đến ngày 31/12/2024, kết dư quỹ bảo hiểm xã hội đạt 1.300.815 tỷ đồng, kết dư quỹ bảo hiểm y tế đạt 50.668 tỷ đồng, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 65.020 tỷ đồng.

Kinh phí kết dư quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng để đầu tư tăng trưởng, tạo nguồn cho chi phí quản lý bộ máy và bổ sung nguồn thu cho các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, giai đoạn trước đây, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được đầu tư tập trung, thống nhất về hình thức đầu tư là chưa thực sự phù hợp với trách nhiệm chi trả của từng quỹ.

Vì vậy, cần thiết phải có quy định về nguyên tắc đầu tư theo từng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo phù hợp với bản chất chi trả của từng quỹ.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về xây dựng phương án đầu tư hàng năm, tuy nhiên chưa có quy định về xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn để tăng cường công tác dự báo, đánh giá tình hình, từ đó có cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư từng năm.

Điều này khiến cho hoạt động đầu tư chưa mang tính chiến lược lâu dài, nhất là đối với quỹ hưu trí, tử tuất là quỹ phải thực hiện nghĩa vụ chi trả trong tương lai. Do đó, cần thiết bổ sung quy định về xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, rà soát, bổ sung các nội dung phù hợp của phương án đầu tư hàng năm.

Liên quan đến phương thức đầu tư, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Việc làm chưa quy định việc ủy thác đầu tư, nên chưa có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện. Ngoài ra, Luật mới chỉ quy định về đầu tư tại thị trường trong nước, mà chưa có quy định về đầu tư tại thị trường quốc tế.

Việc đầu tư trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp hiện chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc mua, quy trình thực hiện mua để Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện. Ảnh: VGP
Việc đầu tư trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp hiện chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc mua, quy trình thực hiện mua để Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa xếp loại tín nhiệm đối với các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt. Khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước chỉ cung cấp danh sách các ngân hàng thương mại có hoạt động lành mạnh, ổn định. Do đó, cần thiết có quy định cụ thể về phương thức đầu tư (tự đầu tư hoặc ủy thác đầu tư) và có quy định hướng dẫn chi tiết việc thực hiện đầu tư theo từng sản phẩm đầu tư trong và ngoài nước, để Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ sở triển khai thực hiện.

Liên quan đến quản lý rủi ro, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Việc làm quy định các hình thức đầu tư, việc trích lập dự phòng rủi ro, nhưng chưa quy định rõ việc quản lý rủi ro phải thực hiện từ khâu lên kế hoạch đầu tư, triển khai đầu tư, giám sát hoạt động đầu tư, kiểm toán nội bộ.

Theo đó, hoạt động đầu tư phải đi liền với quản lý rủi ro đầu tư. Do đó, cần thiết có quy định cụ thể về việc quản lý rủi ro theo đúng nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024./.