Đẩy mạnh cải cách thể chế giúp doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh

Nguyệt Hà

Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức dẫn đến doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, rào cản. Vì vậy, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế giúp trợ lực cho doanh nghiệp vượt qua thách thức là mục tiêu cấp bách hiện nay.

Cắt giảm thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp phát triển
Cắt giảm thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp phát triển

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 6,93%. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, cũng trong quý I/2025, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 61,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 11,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 5,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng chú ý, dù có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Do đó, để bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt. Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra trong thời gian tới.

Thực tế thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách để phát triển doanh nghiệp, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước. Song, trong một thế giới biến động, các doanh nghiệp cũng cần thêm nhiều trợ lực hơn nữa từ chính quyền.

Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược, doanh nghiệp nước ta vẫn thiếu sự liên kết chặt chẽ, bài bản và có tính hệ thống. Một số doanh nghiệp lớn đã có thể tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nhưng mạng lưới liên kết chủ yếu vẫn giới hạn trong nội bộ các doanh nghiệp cùng hệ thống sở hữu.

Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp lớn, cả ở khu vực nhà nước lẫn tư nhân, có khả năng dẫn dắt và kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển những ngành kinh tế chiến lược có năng lực cạnh tranh quốc tế. “Một thực tế đáng chú ý là phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 300 trên tổng số hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, và chủ yếu chỉ cung ứng sản phẩm, dịch vụ đơn giản, giá trị gia tăng thấp” – bà Minh khẳng định.

Để giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao cạnh tranh, ông Phan Đức Hiếu- Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội chia sẻ, thể chế là công cụ duy nhất và cần thiết thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Ngoài thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí; chi phí tuân thủ lớn nhưng đôi khi không được nhận diện; chi phí cơ hội và những chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ. Trong khi cơ hội và dư địa cải cách thể chế rất lớn thì nâng cao chất lượng quy định hiện hành - yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các Bộ luật và đảm bảo tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước thay đổi, cải cách thể chế không chỉ hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà cần tạo đột phá mạnh mẽ. Giai đoạn sau đó, thực thi Luật Doanh nghiệp 2020 với nhiều thay đổi tư duy khi doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm./.