Điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ về địa phương sau sáp nhập

Lưu Thủy

Tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ sẽ được Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính để hoàn tất điều chuyển về UBND tỉnh theo mô hình phân cấp mới để địa phương quản lý và phát triển hạ tầng.

Cục đường Bộ Việt  Nam tích cực giải ngân vốn đầu tư công và vốn bảo trì đường bộ. Ảnh minh họa: L.Thủy
Cục đường Bộ Việt Nam tích cực giải ngân vốn đầu tư công và vốn bảo trì đường bộ. Ảnh minh họa: L.Thủy

Thông tin trên được Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 được tổ chức cuối tuần qua.

Cụ thể, Cục sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính để hoàn tất việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ về UBND tỉnh theo mô hình phân cấp mới.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, đây là bước đi chiến lược nhằm phân quyền thực chất, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động hơn trong quản lý và phát triển hạ tầng.

Thông tin về công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư, tại Hội nghị, bà Nguyễn Hải Vinh - Chánh Văn phòng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đến nay Cục đã phân bổ tổng số 2.136,8 tỷ đồng cho 16 dự án thực hiện trong năm 2025.

Đến hết tháng 6/2025, Cục đã giải ngân được khoảng 30% kế hoạch, dự kiến đến đầu tháng 7, số giải ngân đạt 33% kế hoạch.

 

Công tác bảo trì, phân cấp quản lý tuyến quốc lộ và bảo đảm an toàn giao thông được Cục Đường bộ Việt Nam triển khai quyết liệt với hơn 200 km cao tốc Bắc – Nam đã được bàn giao khai thác; hàng loạt biển báo, đèn tín hiệu đã được rà soát, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và đơn vị hành chính mới.

Cục cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư ba tuyến quốc lộ trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phối hợp các Ban Quản lý dự án lập báo cáo tiền khả thi cho các dự án được giao chuẩn bị đầu tư.

Riêng với vốn bảo trì đường bộ – lĩnh vực then chốt đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng – đến nay, Cục đã giải ngân hơn 3.900 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch.

Trong lĩnh vực cao tốc, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang theo dõi sát sao 34 dự án với nhiều đoạn tuyến trọng điểm như cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành… Công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư và tháo gỡ khó khăn được triển khai đồng bộ.

Về trạm dừng nghỉ, đến nay, 21/24 trạm đã hoàn tất hợp đồng và triển khai các bước thực hiện, góp phần hoàn thiện tiện ích cho người tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Trong bối cảnh nhiều dự án lớn đang bước vào giai đoạn quyết định, 6 tháng cuối năm 2025, Cục Đường bộ Việt Nam xác định một trong những ưu tiên hàng đầu là giải ngân vốn đầu tư công và vốn bảo trì.

“Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý dự án, rà soát tiến độ thi công, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn được giao trong năm 2025”, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Trong công tác phát triển hạ tầng cao tốc, mục tiêu những tháng cuối năm là hoàn thành và thông tuyến 482 km/12 dự án trong năm 2025, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Riêng hai dự án lớn là cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và dự án mở rộng cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận hiện đang được tập trung nguồn lực để khởi công trong tháng 8 tới.

Đối với trạm dừng nghỉ, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt bằng và đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Hai trạm đang xử lý đấu thầu là Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau sẽ được phấn đấu hoàn tất hợp đồng trong tháng 7 này.