Cải cách và hoàn thiện thể chế:
Động lực thúc đẩy minh bạch và cạnh tranh ngành Bảo hiểm
Cải cách thể chế trong lĩnh vực bảo hiểm không chỉ hướng tới việc bảo vệ lợi ích của người tham gia bảo hiểm mà còn mở đường cho sự phát triển bền vững của thị trường. Đây là một nhiệm vụ cấp bách, đặt nền móng cho sự minh bạch và hội nhập quốc tế.

Đảm bảo tối đa quyền lợi người tham gia bảo hiểm
Bộ Tài chính đã và đang tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), để hỗ trợ kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) phát triển theo hướng bền vững, cơ quan quản lý đã và đang xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật bổ sung nhiều quy định nhằm kịp thời điều chỉnh những bất cập phát sinh liên quan tới việc triển khai bancassurance trong thời gian qua.
Về tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng, pháp luật bổ sung các yêu cầu đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng. Theo đó, tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng sẽ phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, bổ sung các quy định trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và cung cấp.
Đặc biệt, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, quá trình tư vấn của đại lý phải được ghi âm. Ngoài ra, yêu cầu các ngân hàng hoạt động đại lý phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của tổ chức tín dụng.
Nhằm đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng, cơ quan quản lý đã quy định tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản.
Cơ quan quản lý cũng bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập công cụ tính toán trên website của doanh nghiệp và hướng dẫn để khách hàng có thể chủ động, tự xây dựng kế hoạch bảo hiểm phù hợp với bản thân trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm. Các quy định này giúp hạn chế tối đa hiện tượng ép buộc khách hàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khi đến vay vốn tại ngân hàng.
Tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng bancassurance
Cùng với hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Thông tư số 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Thông tư cũng bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý;...
Nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính đang chủ trì trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo hướng rà soát các hành vi cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ do có sự thay đổi của pháp luật và theo thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Cụ thể, Dự thảo nghị định quy định tăng mức xử phạt bằng tiền đối với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm (khai thác bảo hiểm), trích lập dự phòng nghiệp vụ, đại lý bảo hiểm. Cơ quan quản lý cũng quy định rõ hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với quy định mới và thực tiễn công tác xử phạt vi phạm hành chính; Bổ sung các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định mới được bổ sung tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 như: Vi phạm quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; không thực hiện trách nhiệm khi bị áp dụng biện pháp kiểm soát; công khai thông tin…
Dự thảo Nghị định cũng sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt liên quan đến chế độ báo cáo, tái bảo hiểm, đầu tư, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, triển khai bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm bắt buộc; một số quy định về vốn…
Quy định pháp lý cũng sửa đổi các giới hạn đối với hoa hồng theo hướng giảm hoa hồng năm đầu và phân bổ vào các năm sau nhằm khuyến khích đại lý chú trọng vào chất lượng khai thác, công tác chăm sóc khách hàng, nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Với việc áp dụng các quy định mới trên, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng cần có thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện quy trình kinh doanh. Tuy nhiên, về lâu dài, thị trường bảo hiểm sẽ phục hồi theo hướng phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn.
Nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính đang chủ trì trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.