Đông Nam Á ghi nhận làn sóng IPO quy mô lớn, Việt Nam vẫn “đứng im”

Tuấn Thủy

Nửa đầu năm 2025, khu vực Đông Nam Á chứng kiến hơn 1,4 tỷ USD được huy động qua 53 thương vụ IPO, tập trung tại Malaysia và Indonesia. Trái lại, Việt Nam chưa có IPO mới, dù kỳ vọng nâng hạng thị trường và cải cách đang mở ra cơ hội cho giai đoạn tới.

Thị trường IPO Đông Nam Á khởi sắc

Theo báo cáo “Southeast Asia Mid-Year IPO Snapshot 2025” do Deloitte công bố mới đây, thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2025 đã có những tín hiệu hồi phục tích cực, bất chấp số lượng thương vụ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, toàn khu vực ghi nhận 53 thương vụ IPO trong nửa đầu năm 2025, ghi nhận hơn 1,4 tỷ USD tiền huy động được và vốn hóa thị trường IPO đạt 7,7 tỷ USD, tăng 33% so với mức 5,8 tỷ USD của nửa đầu năm 2024.

Trong khi đó, số lượng IPO giảm gần 21% so với 67 thương vụ cùng kỳ năm trước, cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt từ số lượng sang chất lượng, với xu hướng các doanh nghiệp ưu tiên những đợt IPO có quy mô lớn hơn và giá trị hơn.

Thị trường IPO khu vực phục hồi với những thương vụ lớn và triển vọng tích cực. Nguồn: Deloitte
Thị trường IPO khu vực phục hồi với những thương vụ lớn và triển vọng tích cực. Nguồn: Deloitte

Malaysia tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm IPO hàng đầu của khu vực với 32 thương vụ, huy động 940 triệu USD, chiếm khoảng 66% tổng số vốn IPO toàn khu vực. Đặc biệt, vốn hóa thị trường từ các thương vụ IPO của Malaysia đạt 4 tỷ USD, tăng tới 165% so với cùng kỳ.

Một trong những điểm nhấn của thị trường Malaysia là thương vụ IPO của Eco-Shop Marketing Berhad với mức vốn hóa 1,532 triệu USD. Indonesia tuy chỉ có 14 thương vụ IPO, giảm mạnh so với 25 thương vụ cùng kỳ năm trước, nhưng lại ghi nhận tổng vốn huy động tăng gần gấp đôi lên 427 triệu USD và vốn hóa thị trường IPO đạt 3,5 tỷ USD, nhờ các thương vụ quy mô lớn như PT Bangun Kosambi Sukses Tbk (1,244 triệu USD) và PT Yupi Indo Jelly Gum Tbk (1,411 triệu USD).

Top 10 đợt IPO lớn nhất trong khu vực đã đóng góp tổng cộng 928 triệu USD, chiếm 66% toàn bộ vốn huy động từ IPO, thể hiện sự tập trung vào các thương vụ chất lượng cao và có sức hút lớn đối với nhà đầu tư.

Về cơ cấu ngành, lĩnh vực tiêu dùng tiếp tục dẫn dắt thị trường với 43% tổng vốn IPO huy động, tương đương 613 triệu USD. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng, đặc biệt là bán lẻ, ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ nhờ mô hình kinh doanh quen thuộc và khả năng tăng trưởng ổn định. Lĩnh vực bất động sản xếp thứ hai, huy động khoảng 284 triệu USD từ các thương vụ IPO, chủ yếu đến từ thị trường Malaysia và Indonesia.

Các thị trường còn lại trong khu vực có diễn biến khá trầm lắng. Singapore chỉ ghi nhận một thương vụ IPO là Vin’s Holdings Ltd trị giá 6 triệu SGD, tuy nhiên đã có sự gia tăng đáng kể số lượng hồ sơ IPO được nộp vào tháng 6, bao gồm một thương vụ được dự đoán là lớn nhất của quốc đảo này trong một thập kỷ, tạo tiền đề cho giai đoạn sôi động hơn trong nửa cuối năm.

Thái Lan có số lượng IPO thấp nhất trong 25 năm qua với chỉ 5 thương vụ, tổng huy động vỏn vẹn 30 triệu USD do chịu tác động từ bất ổn chính trị và căng thẳng thương mại. Philippines ghi nhận một thương vụ IPO trị giá 12 triệu USD từ Top Line Business Development Corp.

Nhận định về thị trường, bà Tay Hwee Ling – Lãnh đạo dịch vụ hỗ trợ giao dịch, Deloitte Đông Nam Á cho biết, nửa đầu năm 2025 chứng kiến sự phục hồi nhẹ trên thị trường vốn Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và đà tăng trưởng mới của các đợt IPO lớn. Bất chấp tâm lý thận trọng, sự quan tâm của các nhà phát hành đang dần quay trở lại, đặc biệt tại những thị trường có khung pháp lý rõ ràng, thanh khoản đủ sâu và tiềm năng mở rộng trong khu vực.

Thị trường Việt Nam chuyển động âm thầm, kỳ vọng đột phá

Dù không ghi nhận bất kỳ thương vụ IPO mới nào trong nửa đầu năm 2025, thị trường vốn Việt Nam vẫn ghi dấu những bước chuyển tích cực về chất. Cụ thể, có 6 doanh nghiệp hoàn tất việc chuyển sàn hoặc lên niêm yết chính thức.

Trong đó đáng chú ý là thương vụ niêm yết của Công ty Cổ phần Vinpearl tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vào ngày 13/5/2025, với hơn 1,79 tỷ cổ phiếu được niêm yết, tương đương tổng giá trị mệnh giá đạt 17.933 tỷ đồng (khoảng 689 triệu USD). Đây là một trong những sự kiện có quy mô lớn nhất trên thị trường trong nửa đầu năm, góp phần nâng cao tính đại chúng và quy mô vốn hóa của HOSE.

Công ty Cổ phần Vinpearl niêm yết trên HOSE, tháng 5/2025.
Công ty Cổ phần Vinpearl niêm yết trên HOSE, tháng 5/2025.

Cùng với đó, sự kiện chính thức vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới KRX vào ngày 5/5/2025 được xem là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hạ tầng thị trường. Việc triển khai hệ thống KRX, theo Deloitte, không chỉ giúp nâng cao năng lực vận hành và giám sát, mà còn mở đường cho các cải cách tiếp theo như rút ngắn chu kỳ thanh toán và triển khai giao dịch bán khống có kiểm soát.

Đáng chú ý, Việt Nam đang kỳ vọng được FTSE Russell xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong các kỳ đánh giá sắp tới, nhờ những nỗ lực cải cách hệ thống hạ tầng giao dịch và việc nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại). Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút dòng vốn ngoại lên tới 6 tỷ USD, theo các ước tính của giới phân tích, qua đó tăng tính thanh khoản, chiều sâu thị trường và tạo động lực rõ nét cho các thương vụ IPO lớn trong thời gian tới.

Mặc dù đang trong giai đoạn chờ đợi sự khởi sắc rõ ràng hơn về số lượng IPO, thị trường Việt Nam được đánh giá là đang tích lũy các điều kiện cần thiết để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Báo cáo của Deloitte nhận định, việc nâng hạng thị trường, hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện chất lượng doanh nghiệp niêm yết và sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế là các yếu tố quan trọng có thể thúc đẩy làn sóng IPO quay trở lại mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm 2025 và các năm tới.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn có xu hướng nới lỏng tiền tệ và phục hồi nhu cầu đầu tư, Việt Nam với lợi thế về tăng trưởng kinh tế, dân số trẻ và nhu cầu vốn cao được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược huy động vốn của các doanh nghiệp nội địa.