Chính thức ban hành Danh mục Phân loại Xanh: “Cú hích” cho nền tài chính bền vững

Tuấn Thủy

Danh mục Phân loại Xanh chính thức ban hành tạo nền tảng pháp lý quan trọng, mở đường cho tín dụng và trái phiếu xanh phát triển mạnh tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Cơ hội bứt tốc cho cả tín dụng và trái phiếu xanh

Danh mục Phân loại Xanh của Việt Nam đã được chính thức ban hành kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 4/7/2025 về “Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh”.

Theo báo cáo của FiinRatings, đây là dấu mốc quan trọng hình thành khung pháp lý đầu tiên cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam. Với 45 loại hình dự án thuộc 7 nhóm ngành, Danh mục Phân loại Xanh cung cấp ngôn ngữ chung giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức tín dụng xác định chính xác dự án đủ điều kiện hưởng ưu đãi từ tín dụng và trái phiếu xanh.

7 Nhóm Ngành được quy định trong Danh mục Phân loại Xanh của Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg. Nguồn: FiinRatings 
7 Nhóm Ngành được quy định trong Danh mục Phân loại Xanh của Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg. Nguồn: FiinRatings 

Đáng chú ý, cơ chế xác nhận dự án đã được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, cho phép doanh nghiệp chủ động đề nghị xác nhận thông qua các tổ chức độc lập đạt chuẩn quốc tế như ISO/IEC 17029 hoặc ISAE 3000. Việc minh bạch hóa quy trình đánh giá và tăng tính chủ động này được kỳ vọng sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn triển khai các dự án xanh.

Khung phân loại mới cũng gạt bỏ những khái niệm mơ hồ như “chuyển đổi xanh”, thay vào đó là tiếp cận trực diện bằng các tiêu chí kỹ thuật rõ ràng – ví dụ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sản xuất giảm phát thải, hệ thống quản lý môi trường đạt chuẩn. Động thái này không chỉ giúp sàng lọc chính xác dự án đáp ứng mục tiêu môi trường mà còn ngăn chặn rủi ro "tẩy xanh" (greenwashing) vốn đang là mối lo ngại toàn cầu.

Về phía thị trường tài chính, Danh mục Phân loại Xanh được kỳ vọng là “cú hích” chiến lược cho cả tín dụng và trái phiếu xanh. Trên thị trường tín dụng, các ngân hàng giờ đây có thể chuẩn hóa tiêu chí cho vay xanh, giảm thiểu rủi ro đánh giá chủ quan. Trên thị trường trái phiếu, khuôn khổ này đóng vai trò nền tảng giúp doanh nghiệp dễ dàng phát hành trái phiếu xanh, tiếp cận mức lãi suất ưu đãi từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước như gói trợ cấp 2%/năm theo Nghị quyết số 198/2025/QH15.

Cơ hội đan xen thách thức

Danh mục Phân loại Xanh ra đời trong bối cảnh nhu cầu đầu tư bền vững tại Việt Nam ngày càng rõ nét. Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 679 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, theo FiinRatings, do thiếu hệ thống phân loại thống nhất, các ngân hàng trước đây phải tự xây dựng bộ tiêu chí riêng, dẫn đến sự chênh lệch trong quản trị rủi ro và chất lượng tài sản xanh. Sự ra đời của DMPLX sẽ giúp khắc phục bất cập này, mở ra kỷ nguyên tín dụng xanh có kiểm soát và minh bạch hơn.

Khung đánh giá lợi ích và chi phí của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu xanh. Nguồn: FiinRatings 
Khung đánh giá lợi ích và chi phí của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu xanh. Nguồn: FiinRatings 

Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị phát hành trái phiếu xanh, khung Danh mục Phân loại Xanh giúp tiết giảm chi phí vốn nhờ tận dụng lợi thế “greenium” – phần chênh lệch lợi suất mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận để sở hữu trái phiếu gắn với dự án bền vững.

Tại khu vực ASEAN+3, mức chênh greenium trung bình khoảng 15 điểm cơ bản, đặc biệt cao với trái phiếu được định giá bằng nội tệ hoặc có chứng nhận đáng tin cậy. Ngoài ra, kỳ hạn dài, uy tín thương hiệu và khả năng mở rộng tệp nhà đầu tư cũng là những giá trị gia tăng không thể bỏ qua từ công cụ tài chính xanh này.

Tuy nhiên, chi phí tuân thủ và năng lực triển khai vẫn là rào cản không nhỏ. Việc phát hành trái phiếu xanh có thể phát sinh thêm 22.000 - 70.000 USD tiền chi phí hành chính, đánh giá độc lập và báo cáo định kỳ. Ngoài ra, thời gian chuẩn bị hồ sơ và triển khai phát hành có thể kéo dài 8 - 12 tuần.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị từ khâu thiết kế dự án, lập báo cáo tác động môi trường đến quy trình theo dõi, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với tổ chức xác nhận đạt chuẩn.

Thị trường tài chính xanh Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn đầu phát triển, thiếu tổ chức xác nhận độc lập có năng lực. FiinRatings hiện là đơn vị nội địa duy nhất được tổ chức Climate Bonds Initiative (CBI) công nhận, và cũng là đơn vị duy nhất đã thực hiện xác nhận cho các giao dịch thành công tại Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng đội ngũ đánh giá có chuyên môn, đồng thời thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành để bảo đảm chất lượng xác nhận xanh.

Chi phí phát sinh khi phát hành trái phiếu xanh (Đvt: USD). Nguồn: FiinRatings 
Chi phí phát sinh khi phát hành trái phiếu xanh (Đvt: USD). Nguồn: FiinRatings 

Mặc dù còn nhiều thách thức, việc Chính phủ chính thức ban hành Danh mục Phân loại Xanh là bước tiến quan trọng trong chiến lược hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nếu được triển khai bài bản, Danh mục này không chỉ là “tấm hộ chiếu” cho dự án xanh tiếp cận nguồn vốn, mà còn là nền tảng để Việt Nam hội nhập sâu hơn với các chuẩn mực tài chính bền vững toàn cầu. Trong tương lai gần, thị trường tài chính xanh sẽ không còn là khái niệm mang tính xu hướng, mà trở thành một cấu phần tất yếu của nền kinh tế phát triển.