Chứng khoán toàn cầu rung lắc trước thời hạn áp thuế đang đến gần

Khánh Hạ

Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu ghi nhận diễn biến trái chiều khi nhà đầu tư phản ứng với phát biểu từ Chủ tịch Fed và các động thái cứng rắn về thương mại từ Tổng thống Donald Trump.

Các động thái cứng rắn về thương mại từ Tổng thống Donald Trump đã kéo TTCK toàn cầu giảm điểm. Ảnh Internet
Các động thái cứng rắn về thương mại từ Tổng thống Donald Trump đã kéo TTCK toàn cầu giảm điểm. Ảnh Internet

Phố Wall hạ nhiệt

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/7, chỉ số S&P 500 giảm 6,9 điểm, tương đương 0,11% xuống 6.198,01 điểm, còn chỉ số Nasdaq giảm 166,85 điểm, tương đương 0,82% còn 20.202,89 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones cộng 400,17 điểm, tương đương 0,91%, lên 44.494,94 điểm.

Sự phân hóa này phần lớn đến từ sự dịch chuyển dòng tiền khỏi nhóm công nghệ – vốn dẫn dắt thị trường trong quý II – sang các cổ phiếu y tế mang tính phòng thủ cao hơn. Amgen, UnitedHealth, Merck và Johnson & Johnson đồng loạt tăng trên 2–4%, đóng góp phần lớn vào đà đi lên của Dow Jones. Trong khi đó, cổ phiếu Tesla sụt 5% sau khi ông Trump gợi ý điều tra các khoản trợ cấp mà các công ty thuộc sở hữu Elon Musk từng nhận từ chính phủ. Đây là động thái mới nhất trong chuỗi va chạm kéo dài giữa ông Trump và Musk, vốn đã leo thang từ đầu năm nay liên quan đến các chính sách chi tiêu công.

Tâm điểm của thị trường đến từ phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại hội nghị các ngân hàng trung ương hàng đầu diễn ra ở Bồ Đào Nha. Khi được hỏi liệu việc cắt giảm lãi suất có hợp lý trong bối cảnh hiện tại nếu không có những thay đổi về chính sách thương mại, ông Powell thừa nhận rằng điều đó "có thể đúng". Dù vậy, ông tiếp tục giữ lập trường trung lập khi từ chối cam kết liệu tháng 7 có phải là thời điểm thích hợp để nới lỏng chính sách, và khẳng định mọi quyết định sẽ hoàn toàn dựa trên dữ liệu kinh tế. Ngay sau phát biểu, thị trường hợp đồng tương lai điều chỉnh kỳ vọng: xác suất Fed hạ lãi suất vào cuộc họp ngày 30/7 đã tăng từ dưới 20% lên khoảng 25%, trong khi khả năng giảm lãi suất vào tháng 9 gần như được thị trường xem là chắc chắn.

Tuy nhiên, tâm lý lạc quan của thị trường đối với lãi suất thấp hơn đang đối đầu với một yếu tố đầy bất ổn: thương mại toàn cầu dưới thời Tổng thống Trump. Trong phát biểu cùng ngày, ông Trump tuyên bố sẽ không gia hạn lệnh tạm hoãn áp thuế kéo dài 90 ngày vốn sẽ hết hạn vào ngày 9/7, và khẳng định Mỹ có thể áp mức thuế lên tới 35% với hàng hóa Nhật Bản nếu nước này không nhượng bộ trong các vấn đề thương mại then chốt. Theo ông Trump, Nhật Bản đã “được nuông chiều” quá lâu và liên tục từ chối mở cửa cho sản phẩm nông nghiệp và ô tô Mỹ. Đây là động thái cứng rắn mới nhất trong chuỗi cảnh báo nhằm gây áp lực lên Tokyo, trong khi các cuộc đàm phán giữa hai nước đến nay chưa có nhiều tiến triển. Trong khi đó, ông Trump tỏ ra lạc quan hơn về khả năng đạt được một thỏa thuận với Ấn Độ. Các quan chức New Delhi đã kéo dài thời gian lưu trú tại Washington nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề còn vướng mắc, đặc biệt liên quan đến thuế nhập khẩu và tiếp cận thị trường.

Bối cảnh hiện tại đặt Fed vào một tình thế nhạy cảm. Dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy tăng trưởng đang chững lại, nhưng lạm phát vẫn chưa giảm đủ mạnh để tạo dư địa rõ ràng cho việc nới lỏng tiền tệ. Đồng thời, các rủi ro địa chính trị, đặc biệt là leo thang thuế quan, đang tạo thêm áp lực đối với triển vọng kinh tế. Trong khi ông Powell nhấn mạnh Fed “không chịu áp lực chính trị”, việc Nhà Trắng công khai chỉ trích Fed vì giữ lãi suất cao hơn nhiều nền kinh tế khác, như ghi chú viết tay của ông Trump gửi tới Fed hôm 30/6, khiến câu hỏi về tính độc lập của ngân hàng trung ương Mỹ ngày càng được đặt ra.

Trong ngắn hạn, giới đầu tư sẽ tiếp tục đánh giá rủi ro kép: một mặt là kỳ vọng lãi suất sẽ giảm để hỗ trợ tăng trưởng, mặt khác là mối lo về căng thẳng thương mại tái bùng phát. Với thời hạn áp thuế 9/7 đang đến gần và cuộc họp chính sách của Fed vào cuối tháng 7, thị trường có thể sẽ tiếp tục dao động mạnh, trong khi niềm tin của nhà đầu tư đang bị thử thách bởi các tín hiệu trái chiều từ chính sách tiền tệ và thương mại.

Phiên 2/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,58%, mức giảm mạnh nhất trong khu vực. Ảnh Internet
Phiên 2/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,58%, mức giảm mạnh nhất trong khu vực. Ảnh Internet

Châu Á thận trọng trước thời hạn áp thuế

TTCK châu Á kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7 trong trạng thái phân hóa khi giới đầu tư đánh giá triển vọng đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác chủ chốt trước thời hạn áp thuế ngày 9/7 mà Tổng thống Donald Trump đã đặt ra. Cùng lúc, dữ liệu kinh tế kém tích cực từ Úc và những tín hiệu trái chiều từ chính sách lãi suất của Mỹ khiến tâm lý nhà đầu tư càng trở nên thận trọng.

Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,58%, mức giảm mạnh nhất trong khu vực. Áp lực bán gia tăng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố không có ý định gia hạn thời gian đàm phán 90 ngày và đe dọa sẽ áp thuế lên tới 35% đối với hàng hóa Nhật Bản, với lý do Tokyo không mở cửa thị trường ô tô và nông sản cho Mỹ. Ông cũng cho rằng Nhật Bản đã “hưởng lợi quá nhiều” từ Mỹ trong nhiều thập kỷ mà không có sự đáp trả tương xứng.

Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm 0,47% trong bối cảnh Seoul hiện đang chịu sức ép từ khả năng Mỹ áp “thuế quan qua lại” 25% lên xe hơi, chất bán dẫn và pin – những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Giới chức Hàn Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Washington và được cho là đang theo dõi sát tiến trình của Nhật Bản và EU trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

 Trong khi đó, Hang Seng của Hong Kong phục hồi 0,56%) nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính. Dù Trung Quốc vẫn duy trì chính sách cấm tiền mã hóa, các tín hiệu mới từ Ngân hàng Trung ương nước này về việc nghiên cứu stablecoin đang tạo ra luồng kỳ vọng mới về các kênh thanh toán xuyên biên giới trong bối cảnh cạnh tranh tài chính toàn cầu gia tăng.

Riêng tại Ấn Độ, chỉ số Sensex giảm 0,53% bất chấp những tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại. Tổng thống Trump hôm 1/7 bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận lớn với New Delhi trước hạn chót 9/7. Hai bên được cho là đang tiến gần đến việc tháo gỡ các vướng mắc thuế quan trong lĩnh vực nông sản, thép và linh kiện công nghiệp.

Chốt phiên giao dịch ngày 2/7 (tại thời điểm 15h30), Nhật Bản giảm 231,33 điểm, tương đương 0,58%, đóng cửa ở mức 39.755,00 điểm; Hồng Kông tăng 133,72, tương đương 0,56% lên mức 24.206,00 điểm; Trung Quốc giảm 2,96 điểm, tương đương 0,09% xuống  3.454,79 điểm; Hàn Quốc giảm 14,59 điểm, tương đương 0,47% lên 3.075,06 điểm; Singapore tăng 14,57 điểm, tương đương  0,38%, đóng cửa ở mức 4.004,27 điểm Thái Lan tăng 1,98 điểm, tương đương 0,18% lên 1.111,99 điểm; Malaysia tăng 3,59 điểm, tương đương 0,23% lên 1.545,12 điểm; Indonesia giảm 56,72 điểm, tương đương 0,82% còn 6.858,64 điểm; Ấn Độ giảm 442,65điểm, tương đương 0,53%  xuống 83.257,46 điểm.

Sự phân hóa của TTCK châu Á hôm nay một phần do tác động từ dữ liệu kém tích cực của Úc khi dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 5 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn dự báo 0,4%, khiến đồng AUD suy yếu nhẹ và củng cố kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 7–8/7. Trong bối cảnh chi tiêu hộ gia đình chậm lại và lạm phát hạ nhiệt, thị trường hiện đang định giá xác suất RBA cắt giảm lãi suất trong quý III năm nay là gần 60%.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng theo dõi sát các diễn biến tại Mỹ, nơi thị trường lao động tiếp tục cho thấy sự vững chắc trước báo cáo việc làm quan trọng công bố vào ngày 4/7. Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn giữ quan điểm thận trọng, cho rằng cần “quan sát thêm” trước khi có bất kỳ hành động nới lỏng tiền tệ nào.

Tâm lý thị trường cũng chịu tác động từ thông tin Tổng thống Trump đe dọa rút trợ cấp đối với Tesla và các công ty liên quan đến Elon Musk sau khi tỷ phú này công khai chỉ trích dự luật thuế mới của chính quyền. Căng thẳng giữa chính phủ Mỹ và giới công nghệ tiếp tục là một biến số cần theo dõi trong thời gian tới.

Với thời hạn áp thuế ngày 9/7 đang đến gần, nhà đầu tư tại châu Á đang hướng ánh nhìn sang Washington và chờ đợi dấu hiệu rõ ràng hơn từ tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn. Trong bối cảnh rủi ro vĩ mô tăng cao, xu hướng phòng thủ và giảm tỷ trọng tài sản rủi ro có thể sẽ chiếm ưu thế trong những phiên sắp tới