Dư nợ margin tại các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý I/2025

Thái Tuấn

3 tháng đầu năm 2025, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của 70/85 công ty chứng khoán đạt gần 275 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với quý IV/2024.

Theo dữ liệu FiinTrade, tại thời điểm cuối quý I/2025, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của 70/85 công ty chứng khoán - nhóm chiếm 99,7% tổng quy mô vốn chủ sở hữu toàn ngành đạt gần 275.000 tỷ đồng, tăng 13% (tương đương 31.600 tỷ đồng) so với quý IV/2024. Mức tăng trưởng dư nợ này góp phần làm tăng thanh khoản và hỗ trợ hoạt động mua ròng của nhà đầu tư cá nhân.

Đây là quý tăng trưởng thứ 9 liên tiếp của hoạt động cho vay margin tính từ quý I/2023. Tuy nhiên, chỉ có 4 công ty chứng khoán duy trì được chuỗi tăng trưởng liên tục trong giai đoạn này, đáng chú ý có TCBS và ACBS. Một số công ty ghi nhận mức tăng mạnh về dư nợ margin trong quý I/2025 gồm SSI, TCBS, VPS, KIS Việt Nam, VCBS, Chứng khoán VPBank, cùng một số đơn vị quy mô nhỏ như PSI và APG. Tính trên toàn thị trường, tổng dư nợ margin hiện tương đương 97,6% vốn chủ sở hữu toàn ngành, vẫn còn thấp hơn mức trần 200% theo quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã chạm ngưỡng rất cao tại một số công ty lớn như MASC (183%), HCM (195%), VPS (158%) và MBS (164%).

Dư nợ bứt phá giúp nguồn thu từ cho vay của các công ty chứng khoán tăng mạnh. Trong quý I/2025, tổng doanh thu từ hoạt động cho vay và phải thu toàn ngành đạt gần 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng đến 26% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh việc được “bơm” tiền từ đi vay, quy mô cho vay của các công ty chứng khoán cũng được hỗ trợ bởi nguồn vốn chủ sở hữu - chỉ tiêu mà các bên liên tục cạnh tranh nhau trong suốt vài năm trở lại đây.

Theo quy định, tổng hạn mức được quy định không quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Ở phương diện tổng thể ngành chứng khoán, tỷ lệ này cuối quý I ở mức rất an toàn, với tổng dư nợ hơn 281.8 ngàn tỷ đồng trong khi tổng vốn chủ gần 292.9 ngàn tỷ đồng, tương ứng dư địa còn gần 52%.

Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể, đã có những công ty chứng khoán tiến sát ngưỡng cho vay, điển hình như KIS, Mirae Asset và HSC, đều chỉ còn dư địa dưới 10%, thậm chí PSI đã vượt 7% theo quy định.

Mặc dù margin là một công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận và thúc đẩy thanh khoản thị trường, các chuyên gia khuyến nghị cần thận trọng với việc sử dụng margin quá mức, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn.

Bên cạnh đó, việc một phần vốn margin không được sử dụng cho giao dịch mà hướng đến các mục đích dài hạn hơn có thể tiềm ẩn rủi ro. Khi thị trường biến động tiêu cực, việc thiếu vắng dòng vốn đối ứng có thể dẫn đến tình trạng bán giải chấp chéo, làm trầm trọng thêm đà giảm.

Hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động lớn từ các biến động toàn cầu, dẫn đến lượng cổ phiếu bị kẹp margin không nhỏ. Dù hoạt động bán giải chấp đã diễn ra trong nhịp giảm trước đó, rủi ro margin vẫn còn hiện hữu nếu thị trường điều chỉnh mạnh, có thể kích hoạt làn sóng "call margin" và gây áp lực giảm sâu hơn.

Ngoài ra, dư nợ margin còn được xem là một kênh thay thế cho ngân hàng, thể hiện xu hướng "ngân hàng hóa" các công ty chứng khoán. Việc sử dụng dư nợ cho vay để phục vụ nhu cầu vốn của các cổ đông lớn thông qua thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy cho nhà đầu tư chứng khoán đang diễn ra.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện là thị trường có tỷ lệ margin/vốn hóa cao nhất thế giới và cần có định hướng rõ ràng hơn về hoạt động cho vay tại các công ty chứng khoán để giảm thiểu rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư trước các biến động lớn./.