Gia Lai chung tay xử lý ô nhiễm lưu vực sông, hướng đến tương lai xanh

Thùy Linh

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông. Đây là bước đi quan trọng nhằm gìn giữ nguồn nước – tài nguyên thiết yếu phục vụ cho sinh kế của người dân, sản xuất nông nghiệp và cân bằng hệ sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Gia Lai có nhiều hành động thiết thực góp phần khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng môi trường nước mặt trên toàn địa bàn Tỉnh.
Gia Lai có nhiều hành động thiết thực góp phần khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng môi trường nước mặt trên toàn địa bàn Tỉnh.

Kế hoạch xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, địa phương nhằm cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn Tỉnh.

Với mục tiêu tổng quát là thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Kế hoạch đặt trọng tâm vào việc kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm tại các sông, suối nội tỉnh; bảo vệ nguồn nước mặt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Gia Lai đặt kỳ vọng đến ngày 31/12/2025 đạt được những mục tiêu cụ thể như: 92% khu công nghiệp và 60% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn kỹ thuật môi trường; 30% nước thải sinh hoạt đô thị và 40% nước thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng các biện pháp phù hợp.

UBND tỉnh Gia Lai đề ra chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu, bao gồm: Triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường về quản lý chất lượng nước mặt; công khai nguồn thải và thực hiện các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm; triển khai Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; thống kê, phân loại nguồn thải, kiểm soát và xử lý vi phạm về môi trường.

Cùng với đó, tỉnh sẽ rà soát hạ tầng thu gom, xử lý nước thải đô thị tại các lưu vực sông, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp; theo dõi chất lượng môi trường nước, cập nhật chương trình quan trắc; thúc đẩy các mô hình canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bền vững; điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm; tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Kế hoạch phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành. Sở Tài nguyên và Môi trường giữ vai trò đầu mối triển khai kế hoạch, chủ trì các nhóm nhiệm vụ về quản lý chất lượng nước mặt, thống kê nguồn thải, quan trắc môi trường, thu phí môi trường và tuyên truyền cộng đồng. Sở Tài chính đảm nhiệm công tác cân đối, phân bổ vốn và rà soát chính sách thu hút đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý hạ tầng thu gom, xử lý nước thải đô thị. Sở Công Thương theo dõi hoạt động các cụm công nghiệp, trong khi Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh lập kế hoạch đầu tư hạ tầng môi trường cho các khu công nghiệp.

Việc triển khai đồng bộ Kế hoạch 987/KH-UBND không chỉ nhằm tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh Gia Lai trong việc phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên nước và sức khỏe cộng đồng. Đây là bước đi thiết thực góp phần khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng môi trường nước mặt trên toàn địa bàn Tỉnh.