Hà Nội tăng tốc hướng về đích tăng trưởng 8%
Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế - xã hội của TP..Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) tăng 7,63% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tiền đề quan trọng để Thành phố hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 8% năm 2025 trong 6 tháng cuối năm.

Theo Chi cục Thống kê TP. Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2025, với sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, kinh tế - xã hội địa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, GRDP 6 tháng đầu năm 2025 Hà Nội tăng 7,63% so với cùng kỳ năm 2024. Trong mức tăng, khu vực dịch vụ là trụ đỡ của kinh tế địa phương với giá trị tăng thêm 8,42% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 5,76 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,83%, đóng góp 1,29 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,21, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 392,1 nghìn tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán pháp lệnh năm và tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Thực hiện đầu tư từ Ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 32,1% kế hoạch năm. Ngoài ra, toàn Thành phố cũng đã thu hút được 3.677 triệu USD vốn hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2024, trong đó đăng ký cấp mới 192 dự án với tổng số vốn đạt 237,5 triệu USD; 89 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký đạt 3.143 triệu USD; 173 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 296,5 triệu USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đạt 455,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hà Nội đạt 3.694 nghìn lượt người, tăng 22,1%. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.636 nghìn lượt người, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2024; khách nội địa đến Hà Nội đạt 1.058 nghìn lượt người, tăng 18,5%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố cũng đạt kết quả đáng ghi nhận. 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 32,3 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 9,9 tỷ USD, tăng 12,5%; nhập khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng 14,3%.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2025, Chi cục Thống kê TP. Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi đơn vị trong Thành phố cần tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thành phố cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ, vận hành thông suốt, đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. Thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực.
Tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2025. Thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị, bảo vệ môi trường.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác cần triển khai là thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng nhằm gia tăng năng lực sản xuất trên địa bàn..
Tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch.
Song song với đó, cần thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Tiếp tục chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển của Thành phố. Nâng cao thương hiệu, sản phẩm OCOP. Đồng thời cũng cần thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội; hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách thường xuyên và đột xuất.