Hơn 77.200 cán bộ, công chức nghỉ hưu, nghỉ việc do sắp xếp bộ máy
Đến nay, cả nước đã có 77.278 người nghỉ hưu và nghỉ thôi việc theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có 20.417 người đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí; 53.831 người đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí.

Sáng 25/7, tại TP. Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đã tập trung thẩm định, hoàn thiện kĩ lưỡng, chất lượng từng đề án để trình Chính phủ thông qua trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 1 Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, 34 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khoá XV để thành lập 34 tỉnh (6 thành phố, 28 tỉnh) và có 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu), giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã (đạt tỷ lệ giảm 66,91%)…
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức được các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương quan tâm, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng để giải quyết theo quy định.
Tính đến nay, tổng số người đã có quyết định nghỉ việc là 85.447 người; số đã nghỉ việc là 77.278 người (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); số người đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí và số người đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí là 74.248 người.
Trong đó, 20.417 người đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí; 53.831 người đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí (số người đã được nhận tiền là 41.031 người, chiếm tỷ lệ 76,22%).
Liên quan đến công tác quản lý biên chế sau sắp xếp, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan, Bộ Nội vụ đang rà soát, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chuyển biên chế giữa các bộ, ngành sau sắp xếp và giữa Bộ Công Thương với địa phương khi thực hiện chuyển lực lượng quản lý thị trường về địa phương quản lý.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất điều chuyển biên chế giữa các khối (Trung ương - địa phương; bộ, ngành - các cơ quan khối Đảng) theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ là tâm điểm của cuộc cách mạng với vai trò nòng cốt tham mưu, đề xuất và trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử chưa từng có tiền lệ, “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Từ đó, đòi hỏi tham mưu, thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, nhiều chiều, bài bản, đồng bộ nhưng nhất quán và toàn diện.
Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành khối lượng công việc lớn tham mưu Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, đường lối; về thể chế, chính sách làm cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện (5 Luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, Công chức; Luật Việc làm); 45 Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 23 Nghị định và hơn 100 Nghị quyết, Quyết định, Công điện của Chính phủ). Các văn bản pháp luật đã thể hiện tư duy đổi mới, kiến tạo mạnh mẽ, đồng bộ và hợp lý.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đã tham mưu triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tập trung giảm đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương theo đúng chủ trương; tinh gọn số lượng lớn cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương (như báo cáo đã nêu) và đi vào vận hành đồng bộ từ ngày 1/3/2025.
“Đặc biệt, Bộ đã tham mưu hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp với mục tiêu gần dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn và bước đầu đạt yêu cầu sau một tháng vận hành...”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.