Hợp tác công - tư là chìa khoá để hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững
Ngày 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề “Hợp tác công-tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”.

Trong thông điệp ghi hình gửi Hội nghị, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann chia sẻ, với vị thế là nhà cung ứng năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.
Đồng thời, Tổng Thư ký OECD cũng bày tỏ sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Việt Nam phát huy mô hình hợp tác công - tư, thu hút đầu tư, đào tạo kỹ năng xanh cho người lao động và trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy thảo luận chính sách về tăng trưởng xanh. Dự kiến, OECD sẽ công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam vào tháng 6/2025 với nhiều khuyến nghị, đề xuất mang tính thí điểm để hỗ trợ Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm trong giai đoạn tới.
Tại Phiên đối thoại, đại diện các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư và doanh nghiệp cũng đã có những trao đổi, chia sẻ làm nổi lên thông điệp không một quốc gia nào, doanh nghiệp nào, trường đại học nào có thể giải quyết các thách thức chung về chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, kêu gọi tăng cường hợp tác công - tư, ứng dụng đổi mới sáng tạo và thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững…
Phát biểu tại Phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hợp tác công tư là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng; năng lượng đảm bảo cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; nợ chi, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong vòng kiểm soát. Đồng thời, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phát triển bền vững có cách tiếp cận bình đẳng của mọi người dân đối với y tế, giáo dục, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, người già, người có công với cách mạng phải có chính sách ưu tiên để đảm bảo bền vững.
“Phải có hợp tác công tư đảm bảo bền vững như đất nước để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số như đã xác định thì trong những năm tới đây tổng đầu tư toàn xã hội là 60% GDP (hiện nay mới huy động hơn 30% GDP), còn lại chính là hợp tác công tư. Hợp tác công tư phải đưa ra nhiều mô hình. Mô hình lãnh đạo công nhưng quản trị tư như mô hình VSIP mà Việt Nam đang thực hiện với Singapore”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, các quốc gia cần xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện, hiệu quả cho hợp tác công tư. Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, muốn có hợp tác công tư thì phải có hệ sinh thái hợp tác công tư gồm: xây dựng thể chế để phát huy hợp tác công tư, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phải đi đôi phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đẩy mạnh hợp tác công tư, nhất là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật... Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung hợp tác công tư trong giáo dục, y tế.
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động bằng việc đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, Chính phủ thúc đẩy để phát triển xanh. Muốn có một nền kinh tế xanh thì phải công dân xanh, hoạt động phải xanh, xã hội phải xanh, tức là một hệ sinh thái xanh thì mới tạo ra được động lực lớn cho phát triển kinh tế xanh. Thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên về chính sách tài khóa, tiền tệ, thuê đất... cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư các ngành xanh, xanh hóa nền kinh tế.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, có cơ chế chính sách khuyến khích, chuyển giao công nghệ, Thủ tướng cũng cho rằng phải thông qua thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quản lý thông minh. Thủ tướng mong các nhà đầu tư chung sức đồng lòng, tập trung vào phát triển xanh; không ngừng cải tiến công nghệ xanh; chủ động tham gia xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu liên quan đến phát triển xanh, các dự án hạ tầng xanh. Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường; công khai, minh bạch thông tin về phát thải và tác động môi trường của doanh nghiệp đến xã hội; hỗ trợ hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo xanh từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp.