Liên minh Dân chủ Bồ Đào Nha giành chiến thắng trong cuộc bầu cử: Sóng gió chưa qua


Đúng với hầu hết dự đoán được đưa ra trước thềm tổng tuyển cử của Bồ Đào Nha, Liên minh Dân chủ (AD) đã giành thắng lợi trước các đảng khác.

Tuy nhiên, do tỷ lệ ủng hộ không quá bán để tự đứng ra thành lập chính phủ độc lập, AD sẽ phải liên kết với các đảng nhỏ khác hoặc hình thành chính phủ thiểu số. Đây lại là một trong những nguyên nhân khiến chính trường nước này liên tục đối mặt với sóng gió suốt 10 năm qua.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ảnh: Euractiv.  
Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ảnh: Euractiv.  

Với 99,2% số phiếu được kiểm, đảng AD theo đường lối trung hữu của Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro đã giành được 32% số phiếu ủng hộ, tương đương với 89/230 ghế tại Quốc hội. Đảng Xã hội (PS) theo đường lối trung tả và đảng Cực hữu (Chega) lần lượt giành được tỷ lệ ủng hộ 23,38% và 22,56%. Kết quả cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba của Bồ Đào Nha trong vòng 3 năm không đủ để làm các cử tri yên tâm về mức độ ổn định trên chính trường trong thời gian tới, nhất là khi nước này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nóng cần giải quyết.

Nếu phải liên kết với các đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ chiếm đa số ghế Quốc hội, AD buộc phải trải qua các cuộc đàm phán để đạt được sự thống nhất đối với các chính sách điều hành đất nước trong nhiệm kỳ tới. Sự khác biệt giữa các đảng phái có thể là nguyên nhân khiến Chính phủ đứng trước nguy cơ sụp đổ tương tự như những gì xảy ra trên chính trường Bồ Đào Nha trong thời gian vừa qua. Còn nếu tự thành lập chính phủ thiểu số, AD vẫn phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các đảng phái khác mỗi lần ban hành chính sách để bảo đảm được thông qua tại Quốc hội.

Theo các nhà phân tích, sự thất vọng của công chúng đối với các chính đảng của Bồ Đào Nha đã dẫn đến tình trạng phân tán số phiếu trong các cuộc bầu cử gần đây. Tỷ lệ ủng hộ ngày càng gia tăng đối với đảng Chega là một minh chứng rõ ràng cho thấy, người dân nước này đang mất dần kiên nhẫn đối với hậu quả của cuộc khủng hoảng do người di cư gây ra. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Chega lại tranh thủ tận dụng khía cạnh này, đưa ra những cam kết siết chặt chính sách đối với người nhập cư, để thu hút sự quan tâm của các cử tri.

Để gia tăng mức độ tín nhiệm, Chính phủ mới của Bồ Đào Nha trước hết phải nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân ở các đô thị lớn. Theo số liệu thống kê của Chính phủ, năm 2018, có chưa đến nửa triệu người nhập cư hợp pháp vào Bồ Đào Nha. Đến đầu năm 2025, con số này đã tăng lên hơn 1,5 triệu người, đa số có quốc tịch Brazil và châu Á làm việc trong ngành Du lịch và Nông nghiệp.

Số người nhập cư tăng mạnh đã gây áp lực nặng nề lên hệ thống nhà ở và dịch vụ công. Viện Thống kê quốc gia cho biết, giá nhà đã tăng thêm 10,3% trong vòng 1 năm qua, trong đó, các khu vực xung quanh thủ đô Lisbon, nơi có khoảng 1,5 triệu người sinh sống, chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong 30 năm - hơn 7%. Gần 13% dân số Bồ Đào Nha sống trong những ngôi nhà quá tải. 60% người thuê nhà không được bảo đảm quyền sở hữu, nghĩa là họ sống trong nỗi sợ mất nhà hoặc phải đối mặt với tình trạng tăng giá bất cứ lúc nào. Dù Chính phủ Bồ Đào Nha đã ban hành một số chính sách trong thời gian gần đây, song những thay đổi này được đánh giá là không mấy hiệu quả, đặc biệt là vào thời điểm cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra gay gắt tại các thành phố lớn và các khu vực du lịch.

Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhà ở tại Bồ Đào Nha. Nước này là một trong số ít quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác quốc tế (OECD) đang phải vật lộn để kiểm soát tình trạng khan hiếm nhà ở. Đức, Luxembourg và Hà Lan cũng đối mặt với khó khăn về nhà ở, song những nước này có mức lương trung bình cao hơn và cơ hội việc làm tốt hơn Bồ Đào Nha. Định chế tài chính lớn nhất thế giới lo ngại, giá nhà tăng trưởng nóng gây ra tình trạng “bong bóng” có thể vỡ bất cứ lúc nào. Điều này sẽ gây ra các vấn đề kinh tế nghiêm trọng như đã thấy trong các cuộc khủng hoảng tài chính trong thập kỷ qua.

Tóm lại, với một Quốc hội phân mảnh và sự trỗi dậy của các lực lượng chính trị mới, việc điều hành hiệu quả và ổn định sẽ là một thách thức lớn đối với Thủ tướng Luis Montenegro và AD. Việc khôi phục niềm tin của các cử tri phụ thuộc vào khả năng giải quyết các vấn đề cấp bách của Chính phủ sắp tới.

Theo Hanoimoi.vn