Năm 2024 diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29 m2
Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố mới đây, năm 2024, diện tích nhà ở bình quân là 29 m2/người, tăng 7,6 m2 so với năm 2014

Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố mới đây, trong thập kỷ qua, chất lượng nhà ở của các hộ gia đình được cải thiện rõ rệt. Thể hiện ở diện tích nhà ở bình quân đầu người liên tục tăng trong giai đoạn 2014 - 2024 và đạt 29 m2 vào năm 2024, tăng 1,2 m2 so với năm 2023 và tăng 7,6 m2 so với năm 2014.
Như vậy, chúng ta đã vượt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 27 m2 sàn/người mà Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra và đang rất gần với mục tiêu đến năm 2030 diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người của Chiến lược.
Cũng trong 10 năm qua, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của các hộ gia đình không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh luôn ở mức trên 93% và tăng dần qua các năm, năm 2024 tỷ lệ này là 98,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với 2023 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với năm 2014.
Bên cạnh đó, năm 2024 có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở cả hai khu vực thành thi và nông thôn đều rất cao, lần lượt là 99,7% và 98%. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 2 vùng có tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cao nhất (99,9%), thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (94,4%). Đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ "kéo" nước sạch về với người dân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Sử dụng điện sinh hoạt cũng là một khía cạnh quan trọng phản ánh đời sống của người dân. Kết quả khảo sát của Cục Thống kê cho thấy, điện lưới quốc gia đã đưa đến hầu hết các hộ gia đình với tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt tới 99,9% trong năm 2024, không có sự khác biệt đáng kể giữa khu vực thành thị - nông thôn và giữa các vùng.
Trong đó, khu vực thành thị, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt xấp xỉ 100%. Có thể nói, Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho người dân, đặc biệt là những hộ dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; làm thay đổi chất lượng cuộc sống hàng ngày của những người nơi đây, đồng thời giúp thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng trên cả nước.