TP.Hồ Chí Minh: Cân, đo rác thu phí

Phạm Thọ

TP.Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định 67/2025/QĐ-UBND hướng dẫn về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 1/6 tới. Với quy định mới này, cách tính phí thu gom rác sẽ căn cứ theo khối lượng và thể tích. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ, thắc mắc.

Bỡ ngỡ với quy định mới

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, Quyết định 67 quy định về hình thức và mức giá cụ thể (mức kinh phí) mà cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải. Chủ trương mới này nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.

Theo đó, tiền rác (bao gồm tiền thu gom và vận chuyển) trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh mỗi tháng sẽ thu theo các khu vực như sau: Đối với TP.Thủ Đức và các quận: Hộ gia đình/chủ nguồn thải có khối lượng rác sinh hoạt phát sinh ≤ 126kg/tháng sẽ đóng 61.000 đồng tiền thu gom và 23.000 đồng tiền vận chuyển. Tương tự, nếu khối lượng rác phát sinh trên 126kg/tháng đến 250kg/tháng đóng 91.000 đồng tiền thu gom và 34.000 đồng tiền vận chuyển. Khối lượng rác phát sinh trên 250kg/tháng đến 420kg/tháng đóng 163.000 tiền thu gom và 60.000 đồng tiền vận chuyển. Khối lượng rác phát sinh trên 420kg/tháng đóng tiền thu gom 485,97 đồng/kg rác và tiền vận chuyển 180,07 đồng/kg rác. Đối với huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ giá sẽ được tính giảm hơn tương ứng.

Chi phí thu gom rác tại TP.Hồ Chí Minh vẫn đang tính toán tương đối
Chi phí thu gom rác tại TP.Hồ Chí Minh vẫn đang tính toán tương đối

Theo UBND TP.Hồ Chí Minh, mức giá trên được áp dụng cho đối tượng thuộc Nhóm 1, là hộ gia đình, cá nhân và các chủ nguồn thải nhỏ. Mức giá này cũng đã được tính toán và quy đổi theo khối lượng rác phát sinh bình quân đầu người theo quy chuẩn hiện hành và bình quân nhân khẩu của một hộ gia đình.

Với Nhóm 2, gồm các chủ nguồn thải lớn và các chủ nguồn thải nhỏ nhưng chọn hình thức quản lý rác như chủ nguồn thải lớn. Đây là nhóm đối tượng phải trả giá dịch vụ trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Đơn cử, tại TP.Thủ Đức và các quận, giá dịch vụ thu gom rác tại nguồn với nhóm này là 485,97 đồng/kg; Khu vực các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh là 452,91 đồng/kg.

Về cách thức tính toán khối lượng sẽ có hai hình thức: Trường hợp UBND TP.Hồ Chí Minh chưa triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì không tổ chức thực hiện thống kê khối lượng rác phát sinh của hộ gia đình, cá nhân. Khối lượng rác lúc này được tính toán theo quy chuẩn hiện hành về lượng rác phát sinh bình quân đầu người và bình quân nhân khẩu của một hộ gia đình. Còn trong trường hợp UBND TP.Hồ Chí Minh triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì cả hộ gia đình, cá nhân và các chủ nguồn thải lớn sẽ phải tính lượng rác thải theo các cách: Cân xác định khối lượng; Thống kê số lượng, loại thể tích thiết bị chứa đựng rác hoặc áp dụng hệ số quy đổi dung tích thiết bị lưu chứa rác (1m3 ~ 420 kg) hoặc theo quy định pháp luật hiện hành khác (nếu có); hoặc thực hiện theo cách thức khác do UBND cấp huyện chủ động áp dụng phù hợp với địa phương.

Như vậy, cách thức để xác định khối lượng rác thải của TP.Hồ Chí Minh cho các nhóm đối tượng đã được phân định khá cụ thể.

UBND TP.Hồ Chí Minh cũng giao nhiệm vụ cho Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn việc nộp giá dịch vụ xử lý rác vào ngân sách Thành phố; hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện báo cáo dự toán kinh phí vận chuyển, xử lý rác từ nguồn ngân sách Thành phố và hỗ trợ, hướng dẫn UBND quận, huyện trong quá trình triển khai giá dịch vụ. Chi Cục Thuế Khu vực II hướng dẫn các đơn vị thực hiện chứng từ, hóa đơn thu tiền giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo quy định này và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan…

Tuy nhiên, những ngày qua nhiều người dân vẫn còn băn khoăn, thắc mắc về cách tính, cách triển khai và tính minh bạch của phương thức tính theo quy định mới này của TP.Hồ Chí Minh. Anh Trần Văn Minh, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12 cho biết, lâu nay gia đình anh đóng phí thu gom rác theo định mức cố định hằng tháng, khoảng gần 90 ngàn đồng/tháng. Nay, nếu thải quá 126 kg rác mỗi tháng sẽ phải đóng thêm tiền nhưng không rõ cơ sở nào để xác định khối lượng rác. Liệu người đi thu gom có cần cân rác mỗi ngày, rồi gia đình sẽ phải cắt cử người để đối chiếu hay không? Cùng chung nỗi băn khoăn, nhiều chủ nhà trọ cho rằng Thành phố sắp thu phí rác theo số kg nhưng chưa chủ trọ nào được phổ biến cách thức thực hiện.

Khâu cuối trong quy trình xử lý rác thải tại địa điểm huyện Củ Chi
Khâu cuối trong quy trình xử lý rác thải tại địa điểm huyện Củ Chi

Nhiều địa phương “lỗi hẹn” với Luật bảo vệ môi trường

Việc TP.Hồ Chí Minh áp dụng tính phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo kg khiến người dân, dư luận khá bất ngờ, thậm chí phản ứng. Tuy nhiên, “gốc” vấn đề theo tìm hiểu của phóng viên đều bắt nguồn từ mục tiêu nhằm thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, tại Điều 79 của Luật về Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nêu rõ: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật về giá và dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Đặc biệt, tại Khoản 7, Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đặt ra yêu cầu “Quy định tại Khoản 1 Điều này và Khoản 1 Điều 75 của Luật này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024”. Đồng nghĩa, việc thu phí rác “dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại” phải được thực hiện từ trước thời điểm kết thúc năm 2024.

Liên quan đến việc này, trao đổi với chúng tôi một cán bộ phụ trách công tác chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, bám sát quy định của Luật, Sở đã “đi trước một bước” khi có tham mưu từ sớm về công tác này. Thực tế, từ 20/9/2024, trước thời điểm cuối cùng phải áp dụng quy định của Luật đặt ra (31/12/2024), TP.Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 63/2024/QĐ-UBND về Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trong đó, đã xác định rõ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác được thực hiện theo hình thức thu theo khối lượng phát sinh. Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh cũng hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai hình thức thu theo khối lượng thông qua một trong các trường hợp như, giá bán bao bì đựng rác; Thống kê xác định khối lượng rác phát sinh thông qua thể tích thiết bị chứa đựng; Thống kê xác định khối lượng rác phát sinh thông qua cân xác định khối lượng hoặc hình thức khác theo quy định… Mới đây nhất, Quyết định 67/2025/QĐ-UBND hướng dẫn về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được ban hành, tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể hơn để áp dụng từ ngày 1/6 tới.

Phí thu gom, vận chuyển rác tại TP.Hồ Chí Minh đang được tính toán lại 
Phí thu gom, vận chuyển rác tại TP.Hồ Chí Minh đang được tính toán lại 

Như vậy, có thể thấy TP.Hồ Chí Minh chính là địa phương tiên phong khi liên tiếp ban hành 2 Quyết định để thực hiện. Trong khi đó, qua tìm hiểu được biết hầu hết các tỉnh, thành đều đang “lỗi hẹn” với Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là với Điều 79 của Luật về áp dụng cân, đo để xác định chính xác chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác trước thời điểm kết thúc năm 2024. Khi mà đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện tại địa phương.

Chỉ là, tại Quyết định 67, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã giao nhiệm vụ: “UBND cấp quận, huyện và UBND cấp phường, xã tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động; xây dựng kế hoạch tuyên truyền định kỳ hoặc dài hạn tại địa phương…”. Nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên công tác truyền thông tại các địa bàn phường, xã còn chưa được chú trọng. Đó là lý do mà nhiều người dân, doanh nghiệp còn chưa hiểu tận tường, khiến sự đồng thuận chưa cao.