Nhiều kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý cho Trung tâm Tài chính quốc tế

Hữu Hòe

Đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, đại diện các ngân hàng cho rằng các định chế tài chính đề xuất cần có sự linh hoạt hơn trong quy định về đăng ký, công nhận và chấm dứt tư cách thành viên trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì ngày 28/4 với lãnh đạo các bộ, ngành, ngân hàng, quỹ đầu tư và nhà đầu tư quốc tế về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam, nhiều đề xuất cụ thể đã được đưa ra nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho mô hình này.

Đại diện các ngân hàng lớn như HSBC, Standard Chartered, ADB... kiến nghị Dự thảo Nghị quyết cần làm rõ hơn các quy định về chống rửa tiền, quy chế áp dụng pháp luật tại TTTCQT (Điều 6), trong mối liên hệ giữa pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, các ý kiến cũng đề xuất cần có sự linh hoạt hơn trong quy định về đăng ký, công nhận và chấm dứt tư cách thành viên (Điều 11).

 

Các ngân hàng, định chế tài chính quốc tế đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tại Việt Nam. Ảnh: VGP
Các ngân hàng, định chế tài chính quốc tế đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đề cập nhiều nội dung then chốt như: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong vận hành trung tâm; cơ chế hoạt động của trọng tài quốc tế trong giải quyết tranh chấp; áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán; cơ chế thúc đẩy đầu tư, quản lý rủi ro tài chính và đảm bảo bảo mật thông tin cho nhà đầu tư. Đại diện Quỹ đầu tư Temasek nhấn mạnh: “Dự thảo cần có các quy định chặt chẽ hơn về bảo mật thông tin của tổ chức, cá nhân nhà đầu tư, cũng như quy trình giải quyết tranh chấp quốc tế tại trung tâm.”

Ở góc nhìn trong nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với fintech hiện đang được xây dựng theo hướng Nhà nước quy định chi tiết cách quản lý các loại tài sản mã hóa như tiền mã hóa, NFT, token tiện ích… Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể khiến Chính phủ gặp khó trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, do các vấn đề liên quan đến công nghệ đang thay đổi quá nhanh.

Do đó, VCCI đề xuất thay đổi cách tiếp cận: thay vì quy định cụ thể, Nhà nước nên đưa ra các mục tiêu quản lý như bảo vệ quyền sở hữu, chống rửa tiền, an toàn an ninh mạng... Doanh nghiệp khi xin phép hoạt động sẽ trình bày mô hình kinh doanh và các giải pháp để đạt được những mục tiêu đó. Sau thời gian thử nghiệm, nếu mô hình chứng minh hiệu quả, Nhà nước mới tiến hành xây dựng quy phạm quản lý phù hợp.

Về chính sách thuế, nhiều doanh nghiệp startup phản ánh rằng quy định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện nay chưa khuyến khích đầu tư mạo hiểm. Cụ thể, các khoản đầu tư vào startup thất bại không được khấu trừ khi tính thuế TNDN, trong khi các khoản lợi nhuận từ startup thành công lại bị đánh thuế đầy đủ. Điều này làm méo mó rủi ro – lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Từ đó, VCCI kiến nghị cần xây dựng cơ chế thuế riêng, phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Trung tâm Tài chính quốc tế, qua đó tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và thu hút dòng vốn dài hạn vào Việt Nam.