Ninh Bình: Thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ

Ngọc Tú

Khu kinh tế (KKT) Ninh Cơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập theo Quyết định số 88/QĐ-TTg, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Bình; đồng thời, mở ra cơ hội bứt phá trở thành trung tâm kinh tế ven biển mới của vùng Đồng bằng Sông Hồng.

KKT Ninh Cơ được tỉnh Ninh Bình xác định sẽ phát triển theo mô hình KKT tổng hợp, đa ngành. Ảnh: ST
KKT Ninh Cơ được tỉnh Ninh Bình xác định sẽ phát triển theo mô hình KKT tổng hợp, đa ngành. Ảnh: ST

KKT Ninh Cơ nổi lên như một cực hút đầu tư nhờ quỹ đất rộng 13.950ha; phần lớn do Nhà nước quản lý, thuận lợi cho thu hồi, phát triển hạ tầng. Khu vực trải rộng trên địa bàn các xã Hải Thịnh, Hải Xuân, Rạng Đông, Quỹ Nhất và các bãi bồi ven biển, nằm ở cực Nam tỉnh Ninh Bình, cửa ngõ giao thương trọng yếu kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Đồng thời, kết nối hiệu quả với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc.

Điểm mạnh nổi bật của KKT là hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ: Đường bộ, đường thủy, đường biển và hàng không, kết nối với các tuyến: Cao tốc Bắc - Nam, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; các tuyến vận tải thủy Lạch Giang - Hà Nội, Cửa Đáy - Ninh Bình; các cảng biển, sân bay quốc tế như Nội Bài, Cát Bi.

KKT Ninh Cơ còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm đất, nước, rừng, biển, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái, biển, đảo. Hệ thống sông ngòi được quy hoạch cấp luồng đặc biệt, mở ra không gian phát triển cảng biển tổng hợp tiếp nhận tàu đến 300 nghìn DWT - tạo nền tảng vững chắc để hình thành các khu công nghiệp (KCN) năng lượng, công nghiệp chế biến, dệt may, logistics và dịch vụ cảng biển.

Các địa phương nằm trong địa phận KKT Ninh Cơ đã và đang phối hợp chặt chẽ, tích cực chuẩn bị tốt nhất về hạ tầng, quỹ đất, cơ chế chính sách, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thủ tục đầu tư thuận lợi, nhanh chóng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới.

Với quy hoạch rõ ràng, nền tảng hạ tầng từng bước hoàn thiện, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và cam kết mạnh mẽ từ nhà đầu tư chiến lược, KKT Ninh Cơ đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế ven biển mới của vùng Đồng bằng Sông Hồng, tạo sức bật mạnh mẽ đưa Ninh Bình bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới.

Theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 88/QĐ-TTg, việc phát triển KKT Ninh Cơ được thực hiện theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn I (2024-2026), hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000, khởi công các công trình hạ tầng trọng điểm;

Giai đoạn II (2026-2030), tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật-xã hội;

Giai đoạn III (sau 2030), phát triển toàn diện, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng KKT.

Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển thành KKT biển đa ngành hiện đại, tập trung vào: Công nghiệp vật liệu xây dựng (thép xanh, xi măng), năng lượng sạch, logistics, cảng biển, thương mại, du lịch, nông - ngư nghiệp công nghệ cao.

Giai đoạn 2026-2030, KKT dự kiến tăng trưởng kinh tế 14-15%/năm, tạo việc làm cho khoảng 55 nghìn người; thu ngân sách đạt khoảng 3.000 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Dự kiến tổng nhu cầu vốn phát triển KKT Ninh Cơ thời kỳ 2021-2050 khoảng 237.870 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 2021-2030 là 83.500 tỷ đồng (79.500 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, 4.000 tỷ đồng cho hạ tầng xã hội); giai đoạn 2031-2050 khoảng 154.340 tỷ đồng. Cơ cấu vốn huy động: 10-15% từ ngân sách Nhà nước, còn lại 85-90% từ xã hội hóa. Tỉnh đã bố trí 2.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021- 2023; nhu cầu còn đến 2030 là 5.852 tỷ đồng, gồm: 700 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 3.500 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và 1.652 tỷ đồng từ ngân sách các địa phương trong vùng dự án.

Để triển khai hiệu quả, tỉnh Ninh Bình đã chủ động tham khảo kinh nghiệm các KKT ven biển tương đồng, cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phân kỳ, ưu tiên dự án trọng điểm. Đồng thời, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư chiến lược, mở rộng hợp tác theo phương thức PPP, ODA…