Phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi trong giai đoạn mới
Hệ thống thủy lợi đã hình thành và phát triển rộng khắp, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Hiện, cả nước có khoảng 86.202 công trình thủy lợi các loại, cùng hệ thống kênh mương dài gần 291.000 km. Đặc biệt, hệ thống đê điều với chiều dài hơn 9.000 km, tạo thành lá chắn quan trọng bảo vệ dân cư và đất sản xuất trước tác động của lũ, lụt, triều cường, nước biển dâng. Các công trình thủy lợi đã hình thành nên hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên. Hệ thống công trình thủy lợi lớn chủ yếu tập trung tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ.
Thông qua hệ thống công trình thủy lợi, nhiều vùng chủ động được tưới, tiêu, những nơi vốn khô cằn, nhiễm phèn, mặn trước đây trở nên trù phú. Điển hình là các hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải và các hồ: Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng - Phước Hòa, Cà Giây, Cái Lớn - Cái Bé, cống âu Nguyễn Tấn Thành…
Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành 133 tuyến kênh trục chính có chiều dài 3.190 km và 45.629 kênh từ cấp 1 đến cấp 3 chiều dài 88.521 km... Công trình thủy lợi bảo đảm năng lực phục vụ cho khoảng 3,6 triệu ha trồng lúa/năm, 400 nghìn ha cây ăn quả, 814.676 ha nuôi trồng thủy sản...
Tuy nhiên, qua rà soát, cả nước có 670 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều công trình được xây dựng từ nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, duy tu bảo dưỡng đang có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, nhất là các vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi trong giai đoạn mới đòi hỏi cần có chiến lược đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ số và tăng cường kết nối vùng-lưu vực nhằm nâng cao năng lực điều phối, khai thác, thích ứng biến đổi khí hậu.