Phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc và gợi ý cho Việt Nam

ThS. NCS. Nguyễn Thị Hương - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

Doanh nghiệp công nghệ cao đã trở thành chủ thể quan trọng của đổi mới khoa học và công nghệ ở Trung Quốc. Hiện nay, nhiều địa phương của Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu về phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Bài viết sử dụng phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp từ các nguồn internet, tạp chí, sách… nghiên cứu về chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ cao tại các địa phương của đất nước này. Những thành tựu đạt được trong phát triển doanh nghiệp công nghệ cao tại Trung Quốc sẽ là những bài học quý giá cho các nước cũng như cho Việt Nam trong phát triển doanh nghiệp công nghệ cao.

Giới thiệu

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của kinh tế tri thức, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới hiện nay. Trong định hướng phát triển đất nước, Chính phủ Trung Quốc đã xác định doanh nghiệp CNC là một chỉ số quan trọng để đo lường mức độ phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ (KH&CN) của khu vực và là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Trung Quốc đã công bố nhiều chính sách, kế hoạch và dự án liên quan đến phát triển doanh nghiệp CNC trong các khu CNC ở các địa phương trong cả nước. Việc phát triển doanh nghiệp CNC ở Trung Quốc sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp CNC.

Phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc

Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của KH&CN, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của kinh tế tri thức, nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển từ giai đoạn tăng trưởng nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng cao, đòi hỏi phải hết sức coi trọng tối ưu hóa cơ cấu kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển, chuyển hóa động lực tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách về chất lượng, hiệu quả và động lực. Tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất, nên coi trọng đổi mới là cốt lõi của đường lối hiện đại hóa của đất nước, lấy tự lực về KH&CN làm hỗ trợ chiến lược cho sự phát triển của Trung Quốc, cải thiện hệ thống đổi mới quốc gia, đẩy mạnh xây dựng tăng trưởng về KH&CN (Xu Lin, 2020).

Các lĩnh vực CNC được ưu tiên phát triển ở Trung Quốc có thể kể đến: điện tử viễn thông, y sinh, cơ điện tử, vật liệu mới, năng lượng mới, bảo vệ môi trường và công nghệ vũ trụ (Zhuang, L. và Ye, C., 2020). Trung Quốc đã xác định doanh nghiệp CNC là một chỉ số quan trọng để đo lường mức độ phát triển kinh tế và KH&CN của khu vực và là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực (Hang Wang, 2021). Theo đó, Trung Quốc đã công bố nhiều chính sách, kế hoạch và dự án liên quan đến phát triển doanh nghiệp CNC ở các địa phương.

Tại Trung Quốc, các khu CNC được thành lập theo một kế hoạch tập trung dưới sự chỉ đạo và quản lý của nhà nước. Quá trình phát triển có thể được chia thành 04 giai đoạn nối tiếp nhau bao gồm: (1) Giai đoạn khám phá thử nghiệm (1988-1990); (2) Giai đoạn khởi động nhanh (1991-1992); (3) Giai đoạn đình trệ (1993-2008) và (4) Giai đoạn tăng trưởng nhanh (2009-nay) (Zhuang, L. và Ye, C., 2020). Mô hình khu CNC của quốc gia này đã chứng tỏ tính lan tỏa nhanh cũng như gắn liền giữa nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất. Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, đến tháng 12/2023, cả nước đã thành lập được 178 khu CNC quốc gia. Số liệu 3 quý đầu năm 2023 cho thấy, khu vực này đóng góp 12.330 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1.730 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Khu CNC quốc gia giúp đẩy nhanh hơn thành lập các cụm CNC, đảm bảo an ninh chuỗi công nghiệp và cung ứng. Trung Quốc nhấn mạnh sẽ khuyến khích các khu CNC xây dựng một số cơ sở cho công nghiệp hóa các thành tựu KH&CN, nhằm chuyển giao nhanh nhiều thành tựu KH&CN hơn từ phòng thí nghiệm sang sản xuất thương mại.

Trong những năm gần đây, các khu CNC quốc gia đã đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển chất lượng cao và trở thành động lực phát triển kinh tế quan trọng. Khu CNC đã quy tụ gần 80% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và 70% số trung tâm đổi mới sản xuất quốc gia. Trong khi đó, một số thành tựu hàng đầu như sản xuất robot thông minh và định vị vệ tinh đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa ở các khu CNC ở Trung Quốc.

Trung Quốc luôn nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong phát triển doanh nghiệp CNC. Để tạo môi trường cho doanh nghiệp CNC, Trung Quốc đã sớm xuất bản tập tài liệu hướng dẫn các lĩnh vực then chốt được ưu tiên phát triển CNC và những khái niệm liên quan đến phát triển doanh nghiệp CNC. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu ở các địa phương hoạt động. Để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp CNC ở Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã thiết lập các biện pháp hành chính để công nhận các doanh nghiệp CNC.

Theo các biện pháp này, các doanh nghiệp CNC là những công ty thường trú được đăng ký tại Trung Quốc (trừ Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan) đã tích cực tham gia vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực CNC được nhà nước hỗ trợ lĩnh vực này trong hơn một năm (Hang Wang, 2021). Để đủ điều kiện là doanh nghiệp CNC, công ty cũng phải xác lập quyền sở hữu trí tuệ độc lập và phải tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên những thành tựu này.

Các doanh nghiệp CNC đã trở thành chủ thể thị trường quan trọng của đổi mới KH&CN ở Trung Quốc. Việc được công nhận là doanh nghiệp CNC khẳng định vị thế của một chủ thể kinh tế dựa trên công nghệ và thâm dụng tri thức, đồng thời là sự công nhận quốc gia có uy tín nhất dành cho các công ty KH&CN. Trong những năm gần đây, để tạo động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp CNC, Trung Quốc đã ban hành các chính sách tài chính về KH&CN và đánh giá hiệu quả của mối quan hệ giữa các chính sách tài chính KH&CN với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNC.

Thực tế cho thấy chính sách tài khóa đầu tư cho KH&CN và chính sách thị trường vốn KH&CN có thể nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CNC (Cheng, X., Zhang R. & Zhang F., 2020). Đồng thời, chính sách ưu đãi trích bổ sung chi phí nghiên cứu và trao đổi (R&D) là một biện pháp quan trọng để khuyến khích đổi mới KH&CN và thúc đẩy cải cách cơ cấu bên cung, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường động lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp CNC và thúc đẩy chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế (Yao, M., Xu, M., 2019).

Kể từ năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách khấu trừ bổ sung chi phí R&D, đã mở rộng hơn nữa phạm vi và cường độ ưu đãi của chính sách, đồng thời thúc đẩy hiệu quả hoạt động R&D và đổi mới của doanh nghiệp CNC. Điều này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNC ở các địa phương trên liên tục tăng cường đầu tư cho R&D, chú trọng hơn đến việc phát triển các quyền sở hữu trí tuệ độc lập và không ngừng nâng cao khả năng R&D tổng thể của mình (Hang Wang, 2021).

Việc đầu tư vào R&D có tác động tích cực đáng kể đến hoạt động thị trường của các doanh nghiệp CNC. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các doanh ngiệp CNC cần đầu tư một lượng vốn lớn cho giai đoạn R&D, nhưng do sự không chắc chắn của công nghệ và thị trường, đặc điểm đầu tư nhiều, rủi ro cao làm tăng hoàn cảnh khó khăn về tài chính của các doanh nghiệp KH&CN. Do đó, với việc không ngừng củng cố và nâng cao vị thế chủ đạo trong đầu tư đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, việc huy động vốn thông qua nhiều kênh để tăng cường đầu tư cho R&D nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và thúc đẩy chuyển đổi thành tựu KH&CN đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với hầu hết các doanh nghiệp CNC hiện nay ở Trung Quốc (Yao, M. và Xu, M., 2019). Với sự ra mắt của Ban Đổi mới KH&CN (Star Market) của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải và việc thiết lập hệ thống đăng ký phát hành cổ phiếu, các doanh nghiệp CNC tiếp tục tăng cường đầu tư R&D bằng cách tài trợ trên thị trường chứng khoán, điều này sẽ trở nên nhanh chóng hơn và thuận tiện.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc thường xuyên tìm ra các giải pháp cho các nút thắt cho các doanh nghiệp CNC phát triển. Các công ty trong khu CNC ở Trung Quốc đều được miễn thuế thu nhập trong giai đoạn đầu và hưởng mức thuế ưu đãi sau đó. Doanh thu được tạo ra từ việc sử dụng công nghệ mới được chuyển giao chỉ bị đánh thuế khi vượt quá 300.000 Nhân dân tệ đầu tiên (hoặc khoảng 45.000 USD). Giấy phép nhập khẩu không được cơ quan hải quan yêu cầu khi họ nhập nguyên liệu và phụ tùng từ nước ngoài nếu nguyên liệu và bộ phận được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu. Cục Thuế Nhà nước ban hành thông báo cho biết các doanh nghiệp CNC được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập. Nếu doanh nghiệp được xác định thành công là doanh nghiệp CNC thì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm sẽ giảm từ 25% xuống 15%, tương đương mức thuế suất thông thường giảm 40%. Sau 3 năm, doanh nghiệp có thể nộp đơn xin xét lại để tiếp tục hưởng ưu đãi thuế thêm 3 năm nữa nếu được phê duyệt. Ngoài ra, khi kết hợp với các khoản khấu trừ khác, công ty có thể được giảm tới 80% thuế thu nhập doanh nghiệp (Hawksford, 2023).

Trung Quốc luôn tăng cường củng cố chiến lược xây dựng nguồn nhân lực KH&CN của đất nước, nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, khơi dậy sức sống đổi mới của nhân tài, hoàn thiện hệ thống và cơ chế đổi mới KH&CN. Tỷ lệ nhân viên KH&CN tham gia hoạt động R&D và đổi mới công nghệ có liên quan trong doanh nghiệp không được thấp hơn 10% tổng số lao động của doanh nghiệp trong năm đó (Hawksford, 2023). Đồng thời, cơ chế phát triển và ươm tạo với các cấp độ khác nhau được coi trọng ở các địa phương của Trung Quốc. Bằng cách phân loại và phân tích các ngành CNC, Sở KH&CN của các địa phương có thẩm quyền tuân theo quy luật tăng trưởng của các doanh nghiệp KH&CN, tích cực xây dựng hệ thống ươm tạo toàn vòng đời để hỗ trợ việc hình thành và phát triển của doanh nghiệp CNC ở các địa phương trong cả nước (Hang Wang, 2021).

Việc ban hành các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp CNC của các cấp ban ngành ở các địa phương và của Chính phủ Trung Quốc đã làm cho số lượng doanh nghiệp CNC của quốc gia này đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng từ 39.000 năm 2012 lên 400.000 vào năm 2022 và đầu vào R&D của họ chiếm 68% tổng số doanh nghiệp trên cả nước (China SCIO, 2023).

Một số gợi ý cho Việt Nam

Bảng 1: Tình hình doanh nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghệ cao ở Việt Nam (từ khi thành lập đến năm 2023)

STT

Khu CNC

Số lượng doanh nghiệp

Vốn đầu tư

Vốn FDI

Vốn trong nước

Triệu USD

Tỷ đồng

1

Hòa Lạc (HHTP)

14

90

702

85.600

2

Hồ Chí Minh (SHTP)

51

109

10.106

48.250

3

Đà Nẵng

13

16

739,6

7.024,78

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

 

Với sự phát triển của KH&CN ngày nay, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển doanh nghiệp CNC là một đòi hỏi tất yếu của các nước trong việc phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và CNC, đổi mới sáng tạo, gắn chiến lược sản xuất, kinh doanh với hoạt động nghiên cứu khoa học, để đạt được hiệu quả kinh tế cao. Doanh nghiệp CNC có thể nằm riêng lẻ, có thể được thu hút tập trung vào một khu gọi là khu CNC. Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, khu CNC là một khu kinh tế - kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở CNC, nhằm tập trung thu hút, đầu tư phát triển các doanh nghiệp CNC trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, nắm bắt xu thế mới trong phát triển của thế giới nói chung, KH&CN nói riêng, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương coi KH&CN là quốc sách, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng KH&CN và đổi mới sáng tạo, coi đó là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt để đưa Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, tại các khu CNC ở nước ta, các doanh nghiệp CNC đã từng bước hình thành, khuyến khích phát triển. Thực tiễn phát triển doanh nghiệp CNC cũng đã ghi nhận những kết quả bước đầu khá quan trọng.

Việt Nam có 3 khu CNC đang hoạt động, nằm ở 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc – Trung – Nam. Khu CNC đầu tiên được thành lập là khu CNC Hoà Lạc đã được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 02/6/1997 và được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998. Khu CNC TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 24/10/2002. Khu CNC Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1979/2010/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khu CNC Hòa Lạc, nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, các CNC có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực CNC khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Ðại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)... Đến năm 2023, doanh thu của các doanh nghiệp CNC tại khu CNC Hòa Lạc đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng.

TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Đảng - phát triển phải dựa trên thành tựu của KH&CN và ứng dụng CNC. Tính đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC, dịch vụ CNC chiếm hơn 50% kim ngạch hàng xuất khẩu của toàn Thành phố và giá trị sản xuất lũy kế toàn khu CNC Hồ Chí Minh đạt gần 146 tỷ USD.

Từ khi thành lập đến nay (khoảng gần 15 năm), khu CNC Đà Nẵng vẫn chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực CNC so với các khu CNC Hòa Lạc và khu CNC TP. Hồ Chí Minh. Đa số các dự án được thu hút vào khu CNC Đà Nẵng trong giai đoạn 2010 - 2023 đều có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ban đầu còn thấp. Chính quyền Thành phố và Ban Quản lý khu CNC Đà Nẵng đã rất quan tâm, không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thu hút các dự án đầu tư để phát triển doanh nghiệp CNC theo đúng định hướng và phù hợp với tiềm năng của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển doanh nghiệp CNC ở các địa phương trong cả nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là về nguồn vốn cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu CNC; về cơ chế, chính sách, giải pháp; yếu tố con người; các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm CNC chưa nhiều, hầu hết các doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm CNC đều có quy mô nhỏ, chưa có một cơ sở công nghiệp sản xuất phần mềm thuộc lĩnh vực CNC đủ mạnh… Chính vì vậy, từ thực tiễn Trung Quốc, có thể rút ra những gợi ý kinh nghiệm cho Việt Nam trong đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp CNC như sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào phát triển doanh nghiệp CNC. Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả, hiện đại, tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm thu hút nhà đầu tư.

Thứ hai, tạo điều kiện và cơ hội cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp CNC, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực hiện có.

Thứ ba, phát huy vai trò của nhà nước và sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương trong việc phát triển doanh nghiệp CNC.

Thứ tư, đầu tư cho R&D, đổi mới KH&CN, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo động lực cho phát triển doanh nghiệp CNC.

Thứ năm, coi trọng công tác ươm tạo và phát triển doanh nghiệp CNC và ưu tiên một số ngành CNC để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, dự án và dịch vụ CNC.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng (2023), Báo cáo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp CNC tại KCNC Đà Nẵng, Phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động, Đà Nẵng;
  2. Thái Bình - Duy Trọng, (2023), Trung Quốc có tới 178 khu công nghiệp CNC quốc gia, https://vtv.vn/the-gioi/trung-quoc-phat-trien-hang-loat-khu-cong-nghe-cao-quoc-gia-20231214131544586.htm;
  3. Gia Minh, (2023), Dành nguồn lực phát triển Khu CNC Hòa Lạc, https://nhandan.vn/danh-nguon-luc-phat-trien-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-post765657.html, [truy cập ngày: 26/3/2024].
  4. Thu Nga, (2023), Khó khăn trong thu hút đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, https://nhandan.vn/kho-khan-trong-thu-hut-dau-tu-tai-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-post751295.html;
  5. Cao Tân, (2023), Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều dấu ấn, tại trang: https://nhandan.vn/khu-cong-nghe-cao-thanh-pho-ho-chi-minh-dat-nhieu-dau-an-post781300.html;
  6. Chen, Z., Zhou, Z. (2019), Research on evaluation index system of patent financing ability of high-tech enterprises, Science and Technology Management Research, 39(10), pp. 133-138;
  7. China SCIO, (2023), China sees ninefold increase in number of high-tech firms over past dedade, tại trang: http://english.scio.gov.cn/m/pressroom/2023-02/24/content_85127345.htm;
  8. Hang Wang (2021), Study on the Cultivation and Development Strategies of Hightech Enterprises in Shandong Province under the Background of the Transformation of Old Growth Drivers to New Ones, E3S Web of Conferences 235, 02071;
  9. Hawksford, (2023), Tax incentives for high and new technology enterprises in China, https://www.hawksford.com/insights-and-guides/china-business-guides/tax-incentives-for-high-tech-enterprises-in-china.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2024