Mỹ - Iran đàm phán gián tiếp về vấn đề hạt nhân: Hứa hẹn nhiều tiềm năng đột phá


Iran và Mỹ đã nhất trí tổ chức đàm phán vào tuần tới về vấn đề hạt nhân, sau vòng đàm phán gián tiếp thứ hai tại Rome (Italia) hôm 19-4.

Washington và Tehran đã phát đi những tín hiệu lạc quan về một thỏa thuận hợp lý giữa Mỹ và Iran. Giới phân tích cho rằng, động thái này đem đến những tia hy vọng mới hứa hẹn nhiều tiềm năng đột phá.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi (thứ hai từ phải sang) trong cuộc đàm phán Iran - Mỹ tại Rome (Italia) ngày 19-4. Ảnh: IRNA.  
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi (thứ hai từ phải sang) trong cuộc đàm phán Iran - Mỹ tại Rome (Italia) ngày 19-4. Ảnh: IRNA.  
Cuộc đàm phán giữa phái đoàn Iran do Ngoại trưởng Abbas Araqchi dẫn đầu với ông Steve Witkoff - Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, do Oman làm trung gian đã kết thúc sau khoảng 4 giờ. Cả Mỹ và Iran đều nhận xét, cuộc đàm phán “mang tính xây dựng và đạt tiến triển”.

"Chúng tôi đạt được tiến triển về một số nguyên tắc, mục tiêu và có được sự hiểu biết tốt hơn", Ngoại trưởng Abbas Araqchi cho biết thêm: "Chúng tôi đã nhất trí rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục và chuyển sang giai đoạn tiếp theo, trong đó các cuộc họp cấp chuyên gia sẽ bắt đầu vào ngày 23-4".

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết: Iran "không còn xa" việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Sau khi trở lại nắm quyền tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã khôi phục chiến dịch "gây sức ép tối đa" bằng việc tăng cường các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này.

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã gửi một lá thư cho nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, thúc giục nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, đồng thời cảnh báo sẽ hành động quân sự nếu đàm phán thất bại.

Ở thời điểm này, tại Nhà Trắng vẫn đang diễn ra các cuộc tranh luận về đàm phán ngoại giao hay tấn công quân sự để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Donald Trump đang kiềm chế những người theo đường lối cứng rắn, trong đó có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, để đạt được một thỏa thuận với Tehran. “Tôi không vội sử dụng phương án quân sự. Tôi nghĩ Iran muốn đàm phán”, người đứng đầu nước Mỹ cho biết hôm 17-4.

Theo các nhà phân tích, bất đồng trong các cuộc đàm phán vẫn xoay quanh câu hỏi: Liệu Iran có thể duy trì hay phải phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình như yêu cầu của những người theo đường lối cứng rắn tại Washington?

Thông qua việc Oman làm trung gian, các cuộc đàm phán đã "khởi đầu tốt", hai bên có cơ hội để tạo ra bước tiến triển mới. Tuy nhiên, ký ức về việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) vẫn còn “sống động" với Tehran và đang làm dấy lên sự hoài nghi.

Đại giáo chủ Ali Khamenei nhận định: "Chúng tôi không quá bi quan hay quá lạc quan, nhưng tất cả các bên đều biết chính xác "lằn ranh đỏ" nằm ở đâu”.

Mặt khác, việc lựa chọn Rome làm địa điểm cho vòng đàm phán thứ hai phản ánh sự liên quan ngoại giao đang nổi lên của Italia trong hồ sơ này. Lập trường tương đối ôn hòa với Iran và mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến Italia nổi lên như một trung gian quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Hiện nay, cả Mỹ và Iran đều có động lực để bảo đảm một thỏa thuận. Iran đang chịu áp lực lớn về kinh tế do các lệnh trừng phạt quốc tế cũng như việc hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu, dẫn đến lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá. Điều này khiến việc nối lại quan hệ với Mỹ trở nên cấp thiết. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump kỳ vọng đạt được một thỏa thuận có lợi hơn JCPOA năm 2015 cho nước Mỹ.

Thực tế, Tehran và Washington đều nhận ra khoảng cách và khó khăn để có thể đạt được một thỏa thuận trong mốc thời gian 2 tháng như mong muốn của ông chủ Nhà Trắng.

Theo IAEA, Iran đã đạt được tiến bộ không thể đảo ngược trong chương trình hạt nhân của mình, tích lũy được khoảng 275kg uranium làm giàu đến độ tinh khiết 60%, một mức độ gần với cấp độ vũ khí. Trong khi đó, các điều khoản chính của JCPOA sẽ hết hạn vào tháng 10-2025.

Quan ngại hơn là sự thiếu rõ ràng của chính quyền Tổng thống Donald Trump về các mục tiêu, cho dù là phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran hay chỉ là ngăn chặn việc vũ khí hóa đều có nguy cơ tác động tiêu cực tới các cuộc đàm phán.

Dù vậy, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ đã mang đến bầu không khí lạc quan với những diễn biến hứa hẹn nhiều tiềm năng đột phá. Những quyết định được đưa ra trong các cuộc đàm phán này nếu theo chiều hướng tích cực sẽ góp phần định hình sự ổn định trong khu vực cũng như tiến trình không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Theo Hanoimoi.vn