Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: VIMC cần hướng tới trở thành tập đoàn hàng hải lớn trong khu vực và thế giới

An Nhi - Hoài Anh

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) được tổ chức ngày 10/5/2025,  Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị VIMC tiếp tục phát huy truyền thống 30 năm, không ngừng đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt các định hướng của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị VIMC tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt các định hướng của Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị VIMC tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt các định hướng của Đảng, Nhà nước.

 Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó

Chúc mừng và biểu dương những nỗ lực, thành tích nổi bật của VIMC trong 30 năm qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Huân chương Lao động hạng Nhì là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp quan trọng của VIMC trong lĩnh vực hàng hải và logistics.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, trong suốt chặng đường 30 năm, Tổng công ty đã trải qua không ít những giai đoạn khó khăn; thử thách lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó của lãnh đạo và cán bộ, người lao động, sỹ quan, thuyền viên của Tổng công ty. Khó khăn, thử thách đến từ khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới, sự suy thoái kéo dài của thị trường vận tải biển và cả những hạn chế, tồn đọng nội tại.

“Đã có những thời điểm Tổng công ty đã phải đối mặt với nguy cơ phá sản doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Nhìn lại 30 năm qua, có thể khẳng định Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó; vừa kinh doanh hiệu quả, vừa thực hiện tốt vai trò của một doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong phát triển kinh tế biển.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Phó Thủ tướng nêu rõ, thành quả hôm nay đến từ ý chí, tinh thần vượt khó và nỗ lực sáng tạo không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, sỹ quan, thuyền viên của VIMC.

Trao Huân chương cho Tổng công ty, Phó Thủ tướng khẳng định, Huân chương Lao động hạng Nhì được trao tặng hôm nay chính là minh chứng xứng đáng cho những đóng góp đó.

VIMC cần thực hiện tốt 5 định hướng trọng tâm

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, ngành hàng hải là mũi nhọn, giữ vai trò then chốt.

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng xác định đây là động lực chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến những thách thức lớn từ biến động quốc tế, chi phí vận tải, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu... 

Trong bối cảnh và yêu cầu mới này, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống 30 năm, không ngừng đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt 5 định hướng trọng tâm.

Tổng công ty cần nhận thức, quyết tâm và quyết liệt trong việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ quản lý điều hành đến từng hoạt động khai thác cảng, vận tải biển và dịch vụ logistics.

“Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để bứt phá, bắt kịp trình độ trong khu vực và thế giới”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổng công ty cần tập trung nguồn lực để đầu tư mới, mở rộng hệ thống cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế theo hướng hiện đại; phát triển đội tàu vận tải biển trọng tải lớn, tập trung cho phương thức vận tải container.

 

"Tổng công ty cần tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, theo các thông lệ quốc tế tiên tiến, đảm bảo hoạt động minh bạch, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao; phát huy truyền thống và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, am hiểu chuyên môn sâu và kỹ năng quản lý hiện đại; không ngừng học hỏi và tiếp thu các kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới" (Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc).

Cần nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, thông qua việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của nền kinh tế và giảm chi phí logistics quốc gia.

“Các dự án hạ tầng trọng điểm như cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế cần được triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ và chất lượng”, Phó Thủ tướng nêu nhiệm vụ.

Đặc biệt, VIMC cần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ, mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển doanh nghiệp cả về quy mô và hiệu quả kinh doanh; giữ vững vai trò doanh nghiệp nhà nước nòng cốt trong lĩnh vực hàng hải Việt Nam, trở thành tập đoàn hàng hải lớn trong khu vực và thế giới.

Vượt sóng vươn xa, tiến vào kỷ nguyên mới

Tại buổi lễ, nhìn lại quá trình phát triển của VIMC, ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên VIMC xúc động đúc kết: “Ba mươi năm, một hành trình không lặng sóng, có những giai đoạn rực rỡ, nhưng cũng có không ít thời điểm phải ngụp lặn trong tận cùng của khó khăn”.

Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn phát biểu tại sự kiện.
Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn phát biểu tại sự kiện.

Những ngày đầu thành lập, khi còn mang tên Vinalines, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, đội tàu cũ kỹ với quy mô hạn hẹp, con đường phía trước đầy gian nan thử thách, thậm chí còn không có bến cảng chuyên dụng mà chỉ có vỏn vẹn 6.900m cầu bến. Cho đến giai đoạn đỉnh cao vào năm 2010 với đội tàu có lúc lên tới 159 chiếc, tổng trọng tải gần 3,5 triệu DWT và chiếm 45% tổng tải trọng của đội tàu biển quốc gia.

Đặc biệt, Tổng công ty phải đối diện với những thách thức khốc liệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, VIMC tưởng như bị nhấn chìm trong cơn sóng dữ của thị trường, đến năm 2013 lỗ lũy kế của Tổng công ty đã lên tới hơn 23.000 tỷ đồng, nợ phải trả vọt lên 66.000 tỷ đồng.

Chính trong những khoảnh khắc cam go nhất, với tinh thần đoàn kết, lòng tự hào nghề biển và niềm tin “sóng dữ không thể nào đánh chìm những ai chèo lái vững vàng”, VIMC đã từng bước vực dậy và vươn lên mạnh mẽ.

Trong giai đoạn đó, ông Sơn cho biết, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những định hướng, chỉ đạo kịp thời như ngọn hải đăng soi đường giữa đêm tối. Được thôi thúc bởi lòng tự trọng và khí chất kiên cường của người đi biển, ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên VIMC đã nỗ lực tìm ra các giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ.

Cụ thể, Tổng công ty đã mạnh dạn tái cơ cấu toàn diện, tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi: khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải; đồng thời tinh giản bộ máy, dũng cảm cắt bỏ những đơn vị không hiệu quả và quyết liệt đổi mới phương thức quản trị lẫn phương thức kinh doanh.

VIMC cũng đã áp dụng mạnh mẽ các công cụ quản lý hiện đại, xác định chiến lược “lấy khách hàng làm trung tâm” và “ lấy con người làm trung tâm” trở thành kim chỉ nam trong mọi quyết định. Nhờ đó, con tàu VIMC dần nổi lên từ đáy vực nợ nần.

Vốn chủ sở hữu của VIMC đã hồi phục hoàn toàn, từ mức âm tới 7.000 tỷ đồng lên gần 17.000 tỷ đồng. Đến nay, VIMC đã trở thành doanh nghiệp đại chúng với giá trị vốn hóa đạt trên 100.000 tỷ đồng, sở hữu hệ thống mạng lưới cảng biển chiến lược số 1 Việt Nam, là cánh cửa kết nối Việt Nam với mạng lưới thương mại toàn cầu.

“VIMC nhất định sẽ “Vượt sóng vươn xa, tiến vào kỷ nguyên mới” với quyết tâm cao hơn và những bước đi vững chắc hơn”, thuyền trưởng con tàu VIMC khẳng định.