Rà soát quy định trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Xuân Thảo

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Công văn số 1680/BNNMT-QLĐĐ gửi Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc sáp nhập về việc rà soát quy định trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quyết định số 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo đó số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là Đề án).

Đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024; Luật và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật có nhiều nội dung giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để áp dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương.

Trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, ban hành các văn bản theo yêu cầu đề ra. Sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố theo Đề án, sẽ xuất hiện tình trạng trong phạm vi của tỉnh, thành phố sau thực hiện sáp nhập có sự không thống nhất đối với một số quy định cụ thể (ví dụ: thời gian thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, mức bồi thường vật nuôi cây trồng, mức hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, suất tái định cư tối thiểu, đơn giá bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; điều kiện và diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất; tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu nghĩa vụ tài chính về đất đai,...) dẫn đến tình trạng suy bì thiệt - hơn giữa các xã, phường, giữa các đối tượng sử dụng đất, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Để chủ động khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện việc sáp nhập khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát các nội dung được giao quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định thống nhất việc áp dụng một số chính sách về đất đai hoặc quy định áp dụng các chính sách đặc thù tại địa phương sau sáp nhập.

Đồng thời, có quy định chuyển tiếp để thực hiện các chính sách đất đai trên địa bàn cấp tỉnh khi đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập đi vào hoạt động, đảm bảo không gián đoạn, không tạo khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể.