Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 30/11 - 5/12/2015

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Tăng trưởng, hoạt động sản xuất - kinh doanh

Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt 6,5% trong năm 2015 và 6,6% năm 2016. Ngoài ra, triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực.

(Theo báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam ngày 2/12 của Ngân hàng Thế giới - WB)

Hãng Nikkei ngày 01/12 công bố báo cáo cho thấy, PMI của Việt Nam đã giảm xuống 49,4 điểm trong tháng 11/2015 từ mức 50,1 điểm của tháng 10. Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua chỉ số PMI tuột khỏi mốc 50 điểm, cho thấy điều kiện kinh doanh của các công ty ngành sản xuất của Việt Nam bị suy giảm nhẹ. (Theo báo cáo của Hãng Nikkei ngày 1/12).

Nguyên nhân: Do các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã kém đi một chút trong tháng 11/2015. Cụ thể:

+ Số lượng đơn đặt hàng mới giảm thứ 3 liên tiếp, do nhu cầu khách hàng giảm và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm tháng thứ 6 liên tiếp.

+ Việc làm đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3, do số lượng đơn đặt hàng mới giảm và các công ty sản xuất hàng hoá đầu tư cơ bản tiếp tục tăng số lượng nhân công.

+ Sản xuất vẫn ở mức độ như trong tháng 10. Giá hàng hóa toàn cầu giảm đang tiếp tục gây áp lực giảm phát cho lĩnh vực sản xuất, với cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra cùng giảm mạnh trở lại, tồn kho hàng thành phẩm gần như không thay đổi trong tháng 11, doanh số bán hàng giảm, khiến hàng tồn kho sau sản xuất tăng ở một số công ty.

Xu hướng thời gian tới: Theo Ông Andrew Harker, chuyên gia của Markit nhận định, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện đang trải qua một thời kỳ đình trệ khi các công ty khó bảo đảm nhận được các hợp đồng mới. Tình trạng suy giảm này đang ảnh hưởng lên thị trường lao động, khiến việc làm giảm lần đầu tiên trong vòng 8 tháng.

Với các điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, các công ty Việt Nam có khả năng sẽ phải chờ đợi để tốc độ tăng trưởng tăng trở lại như được ghi nhận trong thời gian đầu năm 2015.

Tổng cầu

Đầu tư

Tính chung 11 tháng đầu năm 2015, đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án cấp phép mới tại Việt Nam. Trong đó:

-Hàn Quốclà nhà đầu tư lớn nhất với 25 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.

- Tiếp đến là Malaysia 24 tỷ USD.

- Đứng thứ ba là Vương quốc Anh 12,69 tỷ USD.

(Theo Tổng cục Thống kê)

Xuất nhập khẩu

Tính chung cả năm 2015, xuất khẩu thủy sản có thể giảm khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014, chủ yếu tập trung vào mặt hàng chủ lực là tôm, do giá xuất khẩu trên thị trường giảm.

(Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP)

Trong 11 tháng đầu năm 2015, cả nước xuất khẩu 124.000 tấn hạt tiêu, đạt gần 1,2 tỷ USD, giảm 17% về khối lượng nhưng tăng 2,8% về giá trị so với năm 2014; giá xuất khẩu bình quân tính trong 11 tháng là 9.528 USD/tấn, tăng hơn 20% so với năm 2014.

(Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam - VPA).

Trong tháng 11/2015, lượngô tô nguyên chiếcnhập về Việt Nam đạt 14.000 chiếc, trị giá 240 triệu USD, tăng so với cùng kỳ năm 2014 hơn 6.000 chiếc và hơn 85 triệu USD. Như vậy, tính chung 11 tháng năm 2015, nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc về Việt Nam đạt 112.000 chiếc, trị giá 2,5 tỷ USD.

(Theo Tổng cục Thống kê)

Cân đối vĩ mô

Lao động

Trong quý 2/2015, tổng số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1.145 nghìn người, chiếm tỷ lệ 2,42% lực lượng lao động. Dự báo trong quý 4/2015, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sẽ tiếp tục giảm nhẹ, chỉ còn 2,38%. (Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Giá vàng

Trong cả tuần, giá vàng SJC tăng từ 60 - 120 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 5/12), giá vàng được các doanh nghiệp niêm yết ở mức:

+ Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh: 32,98 - 33,23 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội: 32,98 - 33,25 triệu đồng/lượng.

+ Công ty DOJI Hà Nội: 33,10 - 33,20 triệu đồng/lượng.

+ Bảo Tín Minh Châu: 33,12 - 33,19 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá

Tuần qua, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh giảm từ 10 đến 20 đồng/USD. Trong ngày cuối tuần (5/12), tỷ giá được giao dịch tại các ngân hàng ở mức:

+ Vietcombank và Vietinbank: 22.430 - 22.500 đồng/USD.

+ BIDV, ACB, Eximbank và DongABank: 22.440 - 22.510 đồng/USD.

+ Techcombank: 22.420 - 22.530 đồng/USD.

Tăng trưởng tín dụng/huy động

Tính đến giữa tháng 11/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 13,98% so với cùng kỳ năm 2014, đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Theo đó, dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 17%. Bên cạnh đó, tháng 11/2015, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức trên 80%. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản. (Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia)

Thị trường tài sản

Trái phiếu

Trong tuần, HNX đã tổ chức 03 phiên đấu thầu TPCP. Cụ thể:

- Ngày 30/11, NHCSXH phát hành tổng khối lượng 1.500 tỷ đồng gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (500 tỷ đồng), 5 năm (800 tỷ đồng) và 15 năm (200 tỷ đồng). Kết quả cụ thể:

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,38%/năm (bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 16/11/2015).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 400 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,3%/năm (cao hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 23/11/2015).

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 75 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 8,1%/năm (cao hơn 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 09/11/2015).

- Ngày 01/12, VDB phát hành tổng khối lượng 400 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm. Kết quả đã huy động thành công 400 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,24%/năm (thấp hơn 0,01%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 24/11/2015).

- Ngày 02/12, KBNN phát hành tổng khối lượng gọi thầu 11.100 tỷ đồng gồm 2 loại kỳ hạn 5 năm (2.000 tỷ đồng) và 3 năm (9.100 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.998 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,6%/năm (bằng với lãi suất trúng thầu phiên ngày 11/11/2015).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 9.100 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,87%/năm (thấp hơn 0,01%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 25/11/2015).

Theo thống kê của HNX, trong tháng 11/2015:

Trên thị trường sơ cấp:

- Đã có 35 phiên đấu thầu TPCP, huy động được 44.912,1 tỷ đồng trái phiếu, tăng 79,9% so với tháng 10. Trong đó: (i) KBNN huy động được 26.637 tỷ đồng; (ii) Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 11.840 tỷ đồng; (iii) Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 4.435 tỷ đồng; (iv) UBND thành phố Hà Nội huy động được 2.000 tỷ đồng.

- Lãi suất trúng thầu của trái phiếu các kỳ hạn:

+ Kỳ hạn 3 năm trong khoảng 5,88 - 6,52%/năm, giảm khoảng 0,16%/năm so với tháng 10;

+ Kỳ hạn 5 năm trong khoảng 6,53 - 7,45%/năm, giảm khoảng 0,10%/năm;

+ Kỳ hạn 10 năm là 6,95%/năm, giảm khoảng 0,05%/năm;

+ Kỳ hạn 15 năm trong khoảng 7,65 - 8,10%/năm, giữ nguyên so với tháng 10.

Trên thị trường TPCP thứ cấp:

+ Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 438 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 46,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,82% về giá trị so với tháng 10;

+ Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 252 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 24,8 nghìn tỷ đồng, tăng 42,5% về giá trị so với tháng 10.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 30/11 - 04/12, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả 02 sàn, cụ thể:

+ VN-Index: Giảm 1,93%, xuống 571,62 điểm, với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng. Tổng khối lượng hơn 568 triệu cổ phiếu, trị giá trên 9,4 tỷ đồng.

+ HNX-Index: Giảm 1,66%, xuống 80,16 điểm, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Tổng khối lượng hơn 205 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Trong tuần từ 30/11 - 04/12, khối ngoại bán ròng gần 493 tỷ đồng trên cả 02 sàn. Cụ thể:

+ HOSE:Khối ngoại bán ròng hơn 488,5 tỷ đồng, khối lượng hơn 15 triệu cổ phiếu.

+ HNX:Khối ngoại bán ròng 4,4 tỷ đồng, khối lượng 329.659 cổ phiếu.

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam - Hàn Quốc

Ngày 30/11, Quốc hội Hàn Quốc đã phê chuẩn các FTA với 3 nước, gồm Việt Nam, Trung Quốc và New Zealand. Thương mại song phương đã tăng trưởng từ mức 500 triệu USD trong năm 1992 lên hơn 26 tỷ USD vào năm 2014, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

- Việt Nam sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 89,9% tổng số các sản phẩm nhập từ Hàn Quốc trong giai đoạn 15 năm kể từ khi hiệp định này được thực hiện.

- Hàn Quốc sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 95,4% tổng số các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Hiện, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU)

Ngày 2/12, Việt Nam và EU đã ký chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA). Hai bên sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đồng thời, hai bên cam kết mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.

Nhận định chuyên gia

Theo WB, TPP giúp GDP Việt Nam tăng thêm 8% trong vòng 20 năm tới:

Kinh tế Việt Nam đã đối phó khá tốt với những biến động bất lợi của môi trường kinh tế bên ngoài, nhờ tăng cầu nội địa và ngành công nghiệp chế tạo xuất khẩu đạt kết quả tốt. Trong vòng 20 năm tới TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm 8%, tăng 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất.

Căn cứ đưa ra nhận định:

(i) Chủ yếu là do tác động tích cực của TPP.

(ii) Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát thấp (tỷ lệ lạm phát trung bình 10 tháng năm 2015 là 0,7%, mức cùng kỳ năm 2014 là 4,6%).

(iii) Điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng.

(iv) Xuất khẩu vẫn được duy trì, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, nhất là sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, điện tử và máy tính.

Hiệp định TPP sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường, mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam.

Thách thức quan trọng TPP đem đến:

(i)Quy tắc về xuất xứ: Phần lớn hàng Viêt Nam xuất khẩu hiện tại có linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ nhiều nước.

(ii) Thiếu doanh nghiệp đủ sức tạo ra sự gắn kết để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm. Phát triển công nghiệp phụ trợ cần nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đó có 90% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, nhưng VIệt Nam đang thiếu doanh nghiệp khúc giữa, tức thiếu doanh nghiệp đủ sức tạo ra sự gắn kết để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm.

Theo Standard & Poor's:

Nhiều quốc gia nhiệt đới sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hạ bậc xếp hạng tín dụng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, tại Đông Nam Á, Việt Nam là 1 trong 2 nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm điểm tín dụng cao nhất, do dự xuất hiện của nhiều cơn bão quốc tế với tần suất thường xuyên hơn và cấp độ cũng mạnh hơn. Điều này sẽ khiến nợ công của Việt Nam có thể sẽ tăng hơn 4%/GDP.

Nguyên nhân: Do Chính phủ phải dành ra một khoản ngân sách khá lớn để tái xây dựng khắc phục hậu quả từ những thảm họa thiên nhiên sẽ tăng cao, làm gia tăng các khoản nợ của Chính phủ.

Phản ứng của các quỹ đầu tư: Các nhà đầu tư quỹ ETF có xu hướng từ chối các khoản đầu tư liên quan đến các khoản nợ của các nước nằm trong vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Ví dụ như iShares J.P. Morgan USD Emerging Markets Bond (EMB) hiện đang nắm giữ TPCP trị giá 4,7 tỷ USD của 2 nước Indonesia và Sri Lanka. Tuy nhiên, tổ chức này lại không đầu tư vào trái phiếu của hai nước Việt Nam và Thái Lan.

Chính sách

Từ ngày 01/12, các ngân hàng chỉ cho phép doanh nghiệp nộp thuế qua hình thức điện tử thay vì nộp tại quầy như trước đây. Bên cạnh đó, người dân vẫn có thể nộp tiền mặt vào ngân sách. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế vẫn khuyến khích các cá nhân nộp thuế điện tử, qua ngân hàng. Ngoài ra, KBNN cũng vừa thí điểm thu ngân sách qua các POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ), cho phép người dân quẹt thẻ ngân hàng để nộp tiền thay vì phải đến tận Kho bạc.

Tính đến 30/11/2015, đã có 91,16% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, thu về NSNN trên 119.000 tỷ đồng.

(Theo Tổng cục Thuế)

Ngày 24/11, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 193/2015/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT.

- Bổ sung trường hợp cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế: Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước.

- Thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT là các khoản thù lao nhận được từ hoạt động:(i) Thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; (ii) Chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác cho Bộ Lao động và thương binh xã hội; (iii) Thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan nhà nước.

Thông tưsố 193/2015/TT-BTCcó hiệu lực từ ngày 10/01/2016.