Sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện quy định viên chức được góp vốn, điều hành doanh nghiệp

Trần Huyền

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan đến viên chức được góp vốn, quản lý doanh nghiệp tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp để đồng bộ với dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi tại phiên thảo luận tổ chiều 10/5 của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi tại phiên thảo luận tổ chiều 10/5 của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Thảo luận tại Tổ 8 của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhằm xử lý các vướng mắc, bất cập trên thực tiễn cần phải sửa đổi ngay. Đồng thời, đảm bảo thực hiện cam kết phòng, chống rửa tiền.

Theo Bộ trưởng, trong 23 nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật, có 1/3 nội dung liên quan đến quy định về phòng, chống rửa tiền. "Đây là vấn đề rất cấp bách cần phải đưa vào dự thảo Luật theo đúng yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) của Mỹ khi Việt Nam đã bị đưa vào danh sách xám", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến thủ tục hành chính, Bộ trưởng thông tin, vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt về việc giảm thủ tục hành chính đối với đối với từng bộ, ngành tối thiểu 30%. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai quyết liệt công tác này. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này cũng nhằm thực hiện mục tiêu đó.

Bên cạnh đó, trong thực tiễn triển khai Luật Doanh nghiệp thời gian qua đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi. Do đó, dự thảo Luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung 23 nội dung.

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu đề cập đến quy định trong dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo về việc cho phép viên chức tại các tổ chức, cơ sở giáo dục có thể góp vốn, quản lý doanh nghiệp. Cho rằng đây là vấn đề rất hay, Bộ trưởng trao đổi, hiện nay chưa có quy định cho phép viên chức được thực hiện các nội dung này.

Tuy nhiên, vừa qua, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về vấn đề này đã cho phép viên chức làm việc trong tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, quản lý doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, để thực hiện quy định này, có thể đề xuất bổ sung thêm vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp lần này để "khớp" cả 2 luật. "Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa trong dự án Luật này", Bộ trưởng nói.

Cũng tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đóng góp ý kiến về quy định ưu đãi thuế trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm, vật liệu tiết kiệm năng lượng, đầu tư nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng, dự án đầu tư vào các cơ sở tiết kiệm năng lượng sản xuất, lắp đặt máy móc, thiết bị... Ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế đối với phương tiện, thiết bị, phụ tùng, vật tư để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, tiết kiệm năng lượng...

Theo Bộ trưởng, đối với miễn, giảm thuế, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi rất nhiều luật thuế. Nhiều hoạt động liên quan đến khoa học công nghệ cũng được miễn thuế. Do đó, Bộ trưởng đề nghị không đưa quy định ưu đãi thuế vào luật chuyên ngành này.