Tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý ngân sách các cấp

Trần Huyền

Để khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn, tại dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung nhiều quy định nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương. Đồng thời, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý ngân sách nhà nướccác cấp.

Để khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn, tại dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung nhiều quy định mới. Ảnh: internet
Để khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn, tại dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung nhiều quy định mới. Ảnh: internet

Phát sinh những bất cập cần tháo gỡ

Qua hơn 08 năm thực hiện (2017-2025), Luật Ngân sách nhà nước hiện hành đã đi vào cuộc sống, giúp quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Luật cũng giúp củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách và tài sản của Nhà nước, tăng tích lũy nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu, ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương.

Công tác xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng trưởng ở mức 02 con số trong Kỷ nguyên phát triển - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Quốc hội cũng đã ban hành các Luật, Nghị quyết để sửa đổi, quy định một số chính sách mới cho các đối tượng, ngành, lĩnh vực; quy định thí điểm cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho một số địa phương, cần nghiên cứu để luật hóa.

Trong khi đó, cần phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng các vấn đề thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong điều hành, quản lý ngân sách nhà nước.

Thực tế triển khai cho thấy, phân cấp thu ngân sách không còn phù hợp với xu hướng, diễn biến các khoản thu ngân sách, làm giảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, chưa thực sự khuyến khích tính tự chủ của các địa phương. 

Về phân cấp quản lý nợ chính quyền địa phương, theo quy định hiện hành Quốc hội quyết định các chỉ tiêu bội chi, tổng mức vay của ngân sách địa phương, trong đó chi tiết theo từng địa phương dẫn đến trong điều hành không điều chỉnh được giữa các địa phương. Trong trường hợp địa phương được phép vay bội chi nhưng không thực hiện, trong khi các địa phương khác có nhu cầu tăng mức vay, tăng bội chi trong hạn mức cho phép và có khả năng trả nợ lại không thực hiện được. 

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, các địa phương chỉ được phép vay lại từ ngân sách trung ương đối với các khoản vay nước ngoài, không được phép vay lại các khoản vay trong nước. Vì vậy, đã hạn chế khả năng bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển của các địa phương khi nguồn vốn ODA của Việt Nam giảm, đồng thời có thể làm tăng chi phí vay khi từng địa phương đứng ra vay trong nước...

Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, chủ động của địa phương

Từ thực tiễn nêu trên, tại Dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thay đổi căn bản phương thức phân chia so với Luật ngân sách nhà nước năm 2015 đối với các khoản thu phân chia thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường.

Theo đó, tỷ lệ phân chia được quy định cụ thể trong Luật theo từng nhóm địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Quy định này nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương trong xác định nguồn lực giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hằng năm và trong trung hạn. 

Dự thảo Luật lần này cũng bổ sung quy định cân đối nguồn thu thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng mới thực hiện phân chia ngân sách trung ương (70%) và ngân sách địa phương (30%). Đồng thời, bổ sung quy định phần 30% thuế giá trị gia tăng sau khi trừ hoàn thuế phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí (dân số, diện tích...) và tính đến các yếu tố đặc thù của từng địa phương. Quy định này sẽ giúp cân đối ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương được phản ánh thực chất, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương. 

Bên cạnh các nội dung trên, Dự thảo Luật còn bổ sung quy định về nợ chính quyền địa phương. Theo đó, trường hợp địa phương cần huy động vốn vay lớn hơn mức dư nợ vay đã được quy định để thực hiện dự án trọng điểm của địa phương, trên cơ sở đề nghị của địa phương, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định. Quy định này nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng của các địa phương. 

Nhằm trao quyền chủ động cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và phù hợp với chủ trương bỏ cấp huyện theo Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định giao thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 

Ngoài ra, tại dự thảo Luật lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định cho phép ứng trước dự toán về chi thường xuyên; ngân sách cấp xã được ứng trước dự toán năm sau để tạo sự chủ động trong điều hành của các cấp ngân sách. Đồng thời, bổ sung quy định dự phòng ngân sách được bố trí từ nguồn tăng thu và dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, giúp chủ động nguồn lực xử lý các nhiệm vụ cấp bách trong điều hành ngân sách hằng năm. 

Đại diện nhiều địa phương đánh giá, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đã được sửa đổi toàn diện với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi, dự thảo đã cập nhật, tháo gỡ nhiều vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện. Điển hình là gỡ vướng về tạm ứng, mở rộng nội dung chi của quỹ dự phòng ngân sách, bỏ việc lập kế hoạch tài chính 3 năm… Các quy định này sẽ tạo thuận lợi cho cả cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách.