Thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam: Bước đi táo bạo nhưng cần thiết
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự nổi lên của các loại hình tài sản mã hóa, việc Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng Nghị quyết về thí điểm thị trường tài sản mã hóa được xem là một bước đi mang tính đột phá, thể hiện tư duy đổi mới, linh hoạt và thích ứng nhanh với những chuyển động của kinh tế số toàn cầu.
Bước chuyển thể chế không thể chậm trễ
Tài sản mã hóa gồm tiền mã hóa (crypto), token số và các tài sản kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain đang nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu. Không chỉ là xu hướng tương lai, thị trường tài sản số đã và đang vận hành sôi động, thu hút hàng triệu người dùng và hàng trăm tỷ USD dòng tiền toàn cầu.

Trước làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, các nước EU… đã đi trước một bước bằng cách xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox), từng bước điều chỉnh chính sách dựa trên thực tiễn. Mô hình này được đánh giá là công cụ hiệu quả để vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa kiểm soát rủi ro.
Tại Singapore, Cơ quan Tiền tệ (MAS) đã áp dụng sandbox cho các sản phẩm tài chính mã hóa, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin, phòng chống rửa tiền và bảo vệ nhà đầu tư. Cách tiếp cận vừa cẩn trọng vừa cởi mở này đã giúp Singapore trở thành trung tâm tài sản số hàng đầu khu vực. Trong khi đó, EU cũng đã thông qua Quy định MiCA - khung pháp lý chung cho toàn khối về thị trường tài sản mã hóa.
Ở Việt Nam, dù tài sản mã hóa chưa được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, nhưng thực tế giao dịch vẫn âm thầm diễn ra với quy mô ước tính hàng tỷ USD mỗi năm. Sự nổi lên của các startup blockchain như Kyber Network, Coin98, TomoChain… chứng tỏ tiềm lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này là không nhỏ. Vấn đề đặt ra không còn là phát triển như thế nào để khai thác được cơ hội mà là vẫn kiểm soát được rủi ro.
Ngày 6/7/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 104/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết thí điểm khung pháp lý cho thị trường tài sản mã hóa. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy sự chuyển mình của chính sách từ né tránh sang chủ động, từ e dè sang tiếp cận có kiểm soát.
Việc giao Bộ Tài chính làm đầu mối xây dựng Nghị quyết thí điểm cho thấy Chính phủ không xem thị trường tài sản mã hóa đơn thuần là vấn đề công nghệ, mà là một phần trong chiến lược cải cách thể chế tài chính. Đây cũng là bước đi thể hiện tư duy quản lý chủ động, tiếp cận thận trọng nhưng không né tránh, nhằm đưa tài sản mã hóa dần đi vào khuôn khổ pháp luật chính thức.
Khi được đặt dưới sự điều phối của một cơ quan hoạch định tài chính, thị trường này sẽ có cơ hội phát triển trong trật tự, gắn với các quy định hiện hành về thuế, chứng khoán, ngân hàng… và giảm thiểu nguy cơ vận hành tự phát, thiếu kiểm soát. Đồng thời, điều này cũng góp phần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo được diễn ra trong môi trường minh bạch và an toàn.
Việt Nam đang có lợi thế lớn với dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận công nghệ cao, cộng đồng người dùng crypto đông đảo. Nhưng nếu không kịp thời tạo hành lang pháp lý minh bạch, thị trường rất dễ rơi vào trạng thái tự phát, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia. Nghị quyết thí điểm chính là bước đi cấp thiết để định hướng thị trường phát triển đúng hướng, có kiểm soát và Việt Nam không bị tụt lại trong cuộc đua công nghệ tài chính toàn cầu.
Thí điểm có kiểm soát để xây dựng hành lang pháp lý vững chắc
Trong bài viết “Thị trường tài sản mã hóa: Thí điểm để khai mở tương lai”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định, đối với Việt Nam, tài sản mã hóa mở ra không ít cơ hội phát triển, từ huy động vốn, số hóa bất động sản, thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng NFT (Non-Fungible Token, một loại tài sản số độc nhất đại diện cho sở hữu tác phẩm nghệ thuật, bản quyền, hay vật phẩm trong không gian số. Quan trọng hơn, tài sản mã hóa có thể mở rộng tài chính toàn diện cho người dân vùng sâu, vùng xa thông qua các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi), giúp họ tiếp cận dịch vụ ngân hàng bằng điện thoại di động.
Tuy nhiên, TS. Dũng cũng cho rằng, nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng, thị trường tài sản mã hóa rất dễ trở thành mảnh đất màu mỡ cho đầu cơ, gian lận, rửa tiền. Vì vậy, việc triển khai thí điểm là bước đi trung gian cần thiết: không hợp pháp hóa ồ ạt, nhưng cũng không đứng ngoài cuộc. Thí điểm sẽ giúp Nhà nước thu thập dữ liệu thực tiễn, nhận diện chính xác rủi ro, xây dựng quy chuẩn giám sát, kê khai thuế và bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là hàng triệu người dân Việt đang giao dịch crypto mà chưa có cơ chế bảo hộ.
Từ kinh nghiệm quốc tế có thể thấy, không quốc gia nào bắt đầu bằng một bộ luật hoàn chỉnh. Tất cả từ Singapore, Thụy Sĩ đến Nhật Bản đều lựa chọn bắt đầu bằng các chương trình thí điểm pháp lý (sandbox). “Đây là không gian thể chế linh hoạt, nơi luật pháp và công nghệ tương tác để cùng hoàn thiện. Việt Nam cần đi con đường tương tự, nhưng phải có bản lĩnh và lộ trình riêng”, TS. Dũng khẳng định.
Để Nghị quyết về thí điểm thị trường tài sản mã hóa đạt hiệu quả, phù hợp với yêu cầu hội nhập và đặc thù trong nước, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng cần phân loại rõ các nhóm tài sản mã hóa ngay từ đầu, gồm: tiền mã hóa, token tiện ích, token chứng khoán, token gắn với tài sản thật và NFT. Với mỗi loại, cần có hướng dẫn riêng về pháp lý, quản lý, kế toán, thuế và giám sát nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn khi triển khai. Việc thí điểm nên tập trung vào các lĩnh vực ít nhạy cảm nhưng giàu tiềm năng như gọi vốn qua token chứng khoán, token hóa bất động sản, tín chỉ carbon hoặc NFT trong sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, TS. Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan cần phối hợp thống nhất để bảo đảm quản trị rủi ro tổng thể và chia sẻ dữ liệu hiệu quả. Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp công nghệ trong nước tham gia phát triển các nền tảng hạ tầng kỹ thuật số như ví điện tử, nền tảng lưu trữ, định danh số, mã hóa dữ liệu…, vừa tăng cường năng lực nội sinh, vừa hạn chế phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Về chính sách, TS. Dũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế kê khai, giám sát và đánh thuế phù hợp đối với tài sản mã hóa để thúc đẩy minh bạch hóa, khuyến khích người dân chuyển tài sản ra khỏi vùng giao dịch không chính thức. Song song đó, cần thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo mật như lưu ký tài sản, xác thực giao dịch, định danh chủ sở hữu và bảo vệ ví cá nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để thị trường tài sản mã hóa vận hành an toàn, hiệu quả và có thể mở rộng về sau.