On-chain: Tạo nhiều cơ hội phát triển cho thị trường tài chính số tại Việt Nam
Hiện nay, thị trường tài chính số đang mở ra nhiều tiềm năng mới với xu hướng tài sản được mã hóa, dòng tiền được số hoá, hạ tầng tài chính toàn cầu đang trong quá trình “lên chuỗi” (on-chain). Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế hàng đầu tại khu vực trong thời gian tới.
Khối lượng giao dịch tiền mã hóa đạt khoảng 3 tỷ USD/ngày
Tại Hội thảo “Từ Blockchain đến Trung tâm Tài chính quốc tế: Hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) Johan Nyvene cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi thay vì thị trường cận biên. Đây là bước ngoặt lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm chờ đợi.
Ông Johan Nyvene cho rằng, lĩnh vực blockchain và tài sản mã hóa là những lĩnh vực hoàn toàn mới có thể được thực hiện trong Trung tâm Tài chính quốc tế thông qua cơ chế "sandbox" (môi trường thử nghiệm).
Về lâu dài thị trường này sẽ thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và tận dụng được cơ hội khi các định chế tài chính quốc tế bắt đầu công nhận và tiếp nhận các yếu tố của thị trường tài chính phi tập trung.
Chia sẻ thêm về thị trường này, TS Tony Trần, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế on-chain tại Onchain Academy (OA) cho hay, gần đây, thuật ngữ "on-chain" đang trở nên phổ biến hơn, nó bao quát tất cả các hoạt động diễn ra hoàn toàn trên blockchain, mang lại điều mới mẻ và tích cực hơn về công nghệ này.
Theo TS Tony Trần, Việt Nam hiện nằm trong top 5 thế giới về sở hữu tài sản mã hóa, với khoảng 17 triệu người nắm giữ tài sản mã hóa, khối lượng giao dịch hàng ngày trên các sàn tập trung và phi tập trung khoảng 2-3 tỷ USD.
Và có thể lên đến hàng chục tỷ USD nếu tính cả các giao dịch không được thống kê. Những con số này cho thấy quy mô thị trường tài sản mã hóa ở Việt Nam đã vượt xa thị trường chứng khoán truyền thống về khối lượng giao dịch hàng ngày.
TS Tony Trần cho rằng, tài sản mã hóa sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với tài sản truyền thống, với tính thanh khoản cao, phí giao dịch thấp, thông tin minh bạch dễ truy xuất, khả năng lập trình tự động và hoàn tất giao dịch nhanh chóng.
Điều này giúp cho việc chuyển tiền quốc tế trở nên hiệu quả, mọi giao dịch trên blockchain đều được ghi nhận công khai, không thể chỉnh sửa, giảm thiểu rủi ro gian lận và tăng độ tin cậy của thị trường.
Về chính sách đối với đồng tiền mã hóa, TS Tony Trần cho biết, Chính phủ Việt Nam đang có những động thái quyết liệt và tích cực đối với thị trường này. Cụ thể, Quyết định 1131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa blockchain và tài sản số, tiền mã hóa vào danh mục công nghệ chiến lược quốc gia, khẳng định vai trò hạ tầng cho nền kinh tế tương lai.
Cùng lúc, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thị trường tài sản mã hóa do Bộ Tài chính chủ trì đang đến bước cuối cùng, lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương. Đây là tiền đề để công nhận và bảo hộ tài sản số, tài sản mã hóa, giúp giải quyết các tranh chấp pháp lý và bảo vệ quyền sở hữu của nhà đầu tư.
Ngoài ra, Luật Công nghiệp Công nghệ số cũng được thúc đẩy để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc công nhận tiền số và tài sản mã hóa. Nhìn chung, những chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tài chính số mà còn thu hút các dòng vốn lớn, cả trong nước và quốc tế vào thị trường này.
Đón đầu kỷ nguyên on-chain và thu hút vốn đầu tư quốc tế
Theo Ths Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm tư vấn và ứng dụng kinh tế - CIT, (thuộc Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh), hiện nay, Chính phủ đang triển khai dự án xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế (IFC) tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là bước đi chiến lược nhằm đón đầu kỷ nguyên on-chain và thu hút vốn đầu tư quốc tế.
Theo kế hoạch, Trung tâm IFC sẽ tập trung thu hút các nguồn vốn chính như: Vốn tư nhân trong nước, vốn FDI và đặc biệt là vốn từ nước ngoài dưới hình thức đầu tư gián tiếp, vốn dài hạn và bền vững.
Đồng thời, Thành phố cũng xây dựng mục tiêu nằm trong Top 70-80 Trung tâm tài chính toàn cầu vào năm 2035 và Top 20 vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, Trung tâm IFC sẽ có những cơ chế ưu đãi như: Miễn giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), hỗ trợ thủ tục cho chuyên gia nước ngoài, tự do chuyển đổi ngoại tệ không cần chứng minh mục đích, đặc biệt là chính sách thử nghiệm sandbox liên quan đến tài sản mã hóa.
Ông Hải dự đoán, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo sân chơi cho những lĩnh vực hoàn toàn mới như: Blockchain, tài sản mã hóa, không bị "đụng hàng" với các sản phẩm tài chính truyền thống. Điều này tạo cơ hội lớn cho các startup và doanh nghiệp muốn khám phá những mô hình kinh doanh mới.
Theo TS Tony Trần, nền kinh tế on-chain là nền kinh tế số phi tập trung nơi tài sản mã hóa và dữ liệu phi tài chính được khởi tạo, quản lý và giao dịch an toàn trên blockchain.
Giá trị kinh tế của nền kinh tế on-chain hiện nay đạt khoảng 40 tỷ USD/toàn cầu, trong khi nền kinh tế online hiện tại đạt 16.500 tỷ USD. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng hơn 400 lần cho nền kinh tế on-chain nếu tiệm cận được với nền kinh tế online.
Cùng với đó, các định chế tài chính lớn trên thế giới như VanEck và các sàn giao dịch hàng đầu như Binance đều thừa nhận và đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế on-chain, qua đó cho thấy, đây là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược.
TS Tony Trần nhìn nhận, Việt Nam đang có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển on-chain. Trong đó, thiên thời là hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện, với sự quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc ban hành chính sách về blockchain quốc gia và nghị quyết về tài sản mã hóa.
Địa lợi là sự hình thành của Trung tâm IFC là đầu mối thu hút nguồn vốn quốc tế. Nhân hòa là Việt Nam có cộng đồng lập trình viên và người dùng thị trường vốn (crypto) lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 400.000 lập trình viên và tỷ lệ chấp nhận crypto thuộc Top 5 toàn cầu.
Theo ông Khoa Nguyễn, CEO FAM3, những doanh nghiệp truyền thống có nền tảng pháp lý rõ ràng sẽ có lợi thế lớn khi tham gia thị trường vốn on-chain.
Đồng thời, các quỹ lớn đang đổ tiền vào thị trường on-chain với khối lượng lớn hơn nhiều so với nhà đầu tư nhỏ lẻ, và họ sẵn sàng tài trợ cho những ý tưởng sáng tạo. Do đó, việc huy động vốn cho các dự án on-chain cũng đa dạng hơn nhiều so với hình thức gọi vốn truyền thống trước đây.
Ths Lê Thanh Hải nhấn mạnh, sự giao thoa giữa tài chính truyền thống và tài chính phi tập trung đang tạo ra một "cơn sóng thần" cho nền kinh tế. Với sự hình thành của Trung tâm Tài chính quốc tế, khung pháp lý vững chắc cho hạ tầng số, tiềm năng lớn của tài sản mã hóa… đang tạo cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp và vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên on-chain toàn cầu.