Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ

Thanh Thủy - Thu Dịu

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ vào nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng và sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng theo hướng cá nhân hóa, tiện lợi và bền vững.

Gian hàng mỹ phẩm tại triển lãm quốc tế Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2025. Ảnh: Thanh Thủy
Gian hàng mỹ phẩm tại triển lãm quốc tế Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2025. Ảnh: Thanh Thủy

Đây là nhận định được bà Phượng Phạm, Giám đốc sự kiện của Informa Markets Việt Nam phát biểu tại triển lãm quốc tế Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2025. Sự kiện diễn ra từ ngày 24 - 26/7/2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Sự kiện lần này quy tụ hơn 3.000 thương hiệu từ 600 đơn vị trưng bày đến từ 24 quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam...  

Theo bà Phượng Phạm, Giám đốc sự kiện của Informa Markets Việt Nam, sự kiện này không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững và thúc đẩy sáng kiến thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, triển lãm không chỉ giới thiệu các sản phẩm mỹ phẩm và làm đẹp mà còn tạo cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự kiện mang đến đa dạng các lĩnh vực từ mỹ phẩm, nước hoa, thẩm mỹ y khoa, thiết bị spa, đến sản phẩm chăm sóc tóc, móng và nguyên liệu, hương liệu.

Tham dự triển lãm, ông Piotr Rafal Harasimowicz, Trưởng văn phòng Đại diện Cơ quan đầu tư và thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số trẻ và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Chúng tôi rất vui khi tham gia sự kiện này và giới thiệu các sản phẩm từ ngành mỹ phẩm Ba Lan, một thị trường mạnh mẽ tại châu Âu”.

Đại diện các gian hàng mỹ phẩm trao đổi thông tin sản phẩm với khách hàng. Ảnh: Thanh Thủy
Đại diện các gian hàng mỹ phẩm trao đổi thông tin sản phẩm với khách hàng. Ảnh: Thanh Thủy

Theo báo cáo mới nhất của Kirin Capital, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2023. Dự báo đến năm 2027, con số này sẽ đạt mức 2,7 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 3,3%.

Hiện nay, Singapore là quốc gia dẫn đầu thị phần cung cấp mỹ phẩm cho Việt Nam, với kim ngạch hơn 380 triệu USD trong 11 tháng năm 2024, chiếm hơn 29% thị phần. Các thị trường lớn khác gồm Hàn Quốc (174 triệu USD), Trung Quốc (140 triệu USD), Thái Lan (139 triệu USD) và Hoa Kỳ (92 triệu USD).

Tuy nhiên, bên cạnh sự hiện diện mạnh mẽ của các thương hiệu quốc tế, ngành mỹ phẩm nội địa cũng đang từng bước khẳng định vị thế bằng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, chất lượng cao và mức giá cạnh tranh.

Xu hướng tiêu dùng xanh, sạch và có trách nhiệm đang trở thành động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành. Theo Statista, thị trường mỹ phẩm thiên nhiên và hữu cơ tại Việt Nam dự kiến vượt mốc 62 triệu USD vào năm 2025. Trong khi đó, thương mại điện tử trở thành kênh tiêu thụ chiến lược, đặc biệt ở phân khúc mỹ phẩm cao cấp với giá trị khoảng 265 triệu USD năm 2024, dự báo đạt 644 triệu USD vào năm 2033 với tốc độ tăng trưởng lên tới 11%/năm.

Bà Phượng Phạm, Quản lý dự án, Informa Markets Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2025.
Bà Phượng Phạm, Quản lý dự án, Informa Markets Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam 2025.

Hiện Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành làm đẹp phát triển theo hướng bền vững. Bộ Y tế đã đề xuất nhiều cải tiến trong công tác quản lý mỹ phẩm, tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, siết chặt kiểm soát chất lượng và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA đang mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, giúp giảm chi phí nhập khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu trong nước.

Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ngành mỹ phẩm Việt Nam cần chủ động nắm bắt các xu thế tiêu dùng mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và liên kết chuỗi giá trị để gia tăng nội lực.