Thu hút nhiều “sếu đầu đàn”, bất động sản Hải Phòng đang là tâm điểm đầu tư mới

Thu Hiền

Hải Phòng đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều “sếu đầu đàn” của thị trường bất động sản - những "tên tuổi" lớn của quốc tế cũng như trong nước. Trong bối cảnh thị trường BĐS bước vào chu kỳ phục hồi 2024 - 2025, sự dịch chuyển lớn về dòng vốn và tâm lý đầu tư đang tạo nên những “cú hích” mạnh mẽ cho thị trường địa ốc Hải Phòng.

Các chuyên gia thảo luận tại Toạ đàm.
Các chuyên gia thảo luận tại Toạ đàm.

Những "ông lớn" bất động sản đã hiện diện tại Hải Phòng

Tại các đô thị trung tâm như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá nhà đất đã neo ở mức quá cao, quỹ đất mới lại khan hiếm, khiến cơ hội đầu tư hiệu quả trở nên hạn chế.

Trong bối cảnh đó, giới đầu tư đang tìm kiếm các thị trường mới, trong đó, Hải Phòng với những chuyển động mạnh mẽ về quy hoạch, công nghiệp, đô thị hóa và kết nối vùng, đang nổi lên như một điểm đến sáng giá.

Chia sẻ tại toạ đàm “Hải Phòng - Tâm điểm BĐS miền Bắc: Kịch bản ‘TP Hồ Chí Minh thứ 2’ của thị trường địa ốc” vừa được tổ chức ngày 12/7, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, Hải Phòng là một thị trường mới nổi lên.

Giai đoạn năm 2018 - 2019, khi cả thị trường BĐS cả nước bùng nổ, Hải Phòng lại im ắng, không có hoạt động sôi động. Song, đến năm 2021 - 2022, khi thị trường cả nước chìm vào trầm lắng, Hải Phòng lại bùng lên.

Đặc biệt, năm 2023, khi thị trường cả nước rơi vào khủng hoảng, gặp khó khăn nhất thì Hải Phòng lại bùng lên dữ dội, bứt phá, trở thành điểm sáng duy nhất của thị trường BĐS.

Hải Phòng đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều “sếu đầu đàn” của thị trường BĐS. Những "tên tuổi" BĐS lớn của quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam như Vingroup, Sun Group, Geleximco, BRG,... đều tập trung về Hải Phòng để phát triển dự án.

Đánh giá cao tiềm năng phát triển của Hải Phòng, ông cho rằng, Hải Phòng hiện đang trong giai đoạn đầu của một chu kỳ sôi động, tương tự như TP Hồ Chí Minh cách đây nhiều năm.

Dự báo trong khoảng 2 - 3 năm tới, BĐS Hải Phòng sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ, với giá trị tài sản biến động theo chiều hướng tăng rõ rệt, giống như những gì từng diễn ra ở TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn hưng thịnh.

TS Nguyễn Văn Đính.
TS Nguyễn Văn Đính.

“Từ năm 2021 đến nay, thị trường tăng trưởng rất mạnh mẽ. Nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào đây đều bất ngờ vì sức hấp thụ tốt hơn kỳ vọng. Ngay cả trong giai đoạn thị trường có dấu hiệu chững lại, các sản phẩm BĐS tại Hải Phòng khi đưa ra thị trường vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ trên 65%. Đặc biệt, không chỉ người dân địa phương mà cả nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc cũng tích cực tham gia”, ông Nguyễn Văn Đính nói.

Sự dịch chuyển cư dân và dòng vốn đầu tư tạo ra sự bứt phá về BĐS

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng đang là cực tăng trưởng mới của thị trường BĐS phía Bắc.

Đặc biệt là giờ đây, Hải Dương sáp nhập vào Hải Phòng sẽ mở ra không gian phát triển lớn hơn, tạo thêm nhiều dư địa cho địa phương này thực sự bứt phá.

Theo ông, với mức tăng trưởng GDP trung bình 9% trong vòng 5 năm qua, Hải Dương sẽ mang lại nguồn lực đáng kể cho Hải Phòng khi sáp nhập.

Khi đó, “Hải Phòng mới” sẽ sở hữu quy mô dân số lớn hơn, diện tích rộng hơn và tổng GDP sẽ có thể vươn từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 cả nước. Điều đáng chú ý nhất là sự thay đổi về dòng dịch chuyển dân cư kéo theo dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

PGS.TS Trần Đình Thiên.
PGS.TS Trần Đình Thiên.

“Nếu trước đây người dân Hải Phòng thường ra ngoài tìm nơi sinh sống thì giờ đây, dòng người đang quay trở lại. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của chuyên gia quốc tế, giới tri thức và cư dân có thu nhập cao đang góp phần hình thành một đô thị hiện đại, đẳng cấp, sẵn sàng cho những cú bứt phá về BĐS tại đây”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.

Chia sẻ dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu đồng thời là nhà đầu tư, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cũng đánh giá, Hải Phòng đang sở hữu nhiều yếu tố “nhất” nổi bật, tạo nên sức hút mạnh mẽ trên thị trường BĐS phía Bắc.

Trong đó, ông nhấn mạnh kết quả thu hút vốn FDI của Hải Phòng trong thời gian qua luôn duy trì ở mức cao; vị trí địa kinh tế và địa chính trị của Hải Phòng cũng được đánh giá cao khi thành phố sở hữu cảng nhập khẩu lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý những lợi thế này chủ yếu tập trung ở các khu vực mới nổi và đang phát triển mạnh. Trong khi đó, tại khu vực trung tâm, quỹ đất gần như đã cạn kiệt, nhu cầu bão hòa, dẫn đến dư địa tăng trưởng không còn nhiều.

Vì vậy, nhà đầu tư cần lựa chọn đúng khu vực và quan trọng không kém là chọn được chủ đầu tư uy tín, có thể được kiểm chứng qua những dự án đã triển khai thành công trong quá khứ, đặc biệt là các đại dự án, vhỉ khi đó, kỳ vọng đầu tư mới có thể trở thành hiện thực.

Chia sẻ thêm về những khu vực sở hữu nhiều tiềm năng, có dư địa phát triển mạnh, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, Vũ Yên và Dương Kinh đang là hai cái tên nổi bật.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, với việc sở hữu nhiều dự án BĐS được đầu tư hạ tầng đồng bộ, quy hoạch bài bản và chất lượng, Vũ Yên và Dương Kinh sẽ là hai địa phương có nhiều dư địa tăng giá.

Ông dự báo, từ giờ đến cuối năm và những năm tới, hai địa phương này sẽ là toạ độ đầu tư đầy triển vọng của BĐS Hải Phòng.

“TP Hồ Chí Minh thứ 2” của thị trường địa ốc phía Bắc

Đánh giá tiềm năng đầu tư vào Hải Phòng - TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, có 4 yếu tố then chốt của một thị trường khiến nhà đầu tư lựa chọn.

Cụ thể gồm các yếu tố: chính là sự quyết liệt của chính quyền địa phương; tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng phát triển.

Đặc biệt là sự quan tâm của các tập đoàn lớn. Khi các ông lớn trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, BĐS… đã lựa chọn Hải Phòng, điều đó đồng nghĩa họ đã nghiên cứu rất kỹ về triển vọng phát triển và nhu cầu thực tiễn của địa phương này.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng, sở hữu nhiều lợi thế vượt trội từ hạ tầng, vị trí địa kinh tế, quy hoạch phát triển đến dư địa tăng trưởng, Hải Phòng đang nổi lên như ứng cử viên sáng giá cho vị trí “TP Hồ Chí Minh thứ 2” của thị trường BĐS phía Bắc.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nếu so sánh với TP. Hồ Chí Minh ở giai đoạn 2010, thì Hải Phòng hiện nay có nhiều yếu tố tương tự, thậm chí hấp dẫn hơn, triển vọng khởi sắc của các dự án BĐS cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó, giai đoạn này, dư địa tăng giá của Hải Phòng cũng được đánh giá tốt hơn TP Hồ Chí Minh khi đó.

Ông Bùi Văn Doanh
Ông Bùi Văn Doanh

Ở góc nhìn quy hoạch, TS.KTS Trương Văn Quảng nhận định, khu vực Thủy Nguyên gắn với Dương Kinh, bên kia sông Cấm đang có tiềm năng phát triển tương đương với Phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc).

“Tôi cho rằng, khu vực này hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm phát triển mới của Hải Phòng, với dư địa và cơ hội rất lớn”, ông Quảng nhấn mạnh.

Được biết, Vũ Yên và Dương Kinh thời gian gần đây đã thu hút một số doanh nghiệp BĐS tầm cỡ về phát triển dự án. Nổi bật như Vinhomes với dự án Vinhomes Royal Island tại Vũ Yên và Vinhomes Golden City tại Dương Kinh...

Phân tích tâm điểm đầu tư tại vùng đất cảng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam Bùi Văn Doanh cũng cho rằng, nhà đầu tư nên lựa chọn những khu vực đồng bộ tiện ích và quy hoạch nhằm tạo biên độ tăng giá tốt hơn so với những khu phát triển tự phát.

Trong đó, Vũ Yên hay Dương Kinh đều là các khu vực có quy hoạch tốt, bài bản.

Theo ông, nếu nhà đầu tư tìm kiếm đô thị trung tâm có vai trò về kinh tế - du lịch thì nên chọn Vũ Yên, còn nếu ưu tiên đô thị giao thương cửa ngõ thì Dương Kinh là lựa chọn phù hợp.

“Mức độ quan tâm của nhà đầu tư tới Vũ Yên hiện cũng khá cao, bởi đây là nơi có thể vừa tích sản, vừa đầu tư, cho thuê hoặc để ở”, ông Bùi Văn Doanh chia sẻ.