Thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì một ngành Tài chính phát triển bền vững
Ngày 17/5, tại Hà Nội, trong không khí cả nước đang sôi nổi hướng tới kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Tài chính đã tổ chức Diễn đàn “Hợp tác và Phát triển” lần thứ I năm 2025. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa nhà trường, doanh nghiệp và người học, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Khoa học là “nền móng” cho quản lý tài chính hiện đại
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, trong bối cảnh thế giới chuyển mình mạnh mẽ với những đột phá về công nghệ, toàn cầu hóa sâu rộng và yêu cầu cấp thiết về đổi mới mô hình tăng trưởng, ngành Tài chính nhận thức sâu sắc rằng chỉ khi đổi mới tư duy cùng phương thức hoạt động, chúng ta mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cũng nhấn mạnh ba trụ cột then chốt gồm “khoa học - hội nhập - đổi mới”, chính là nền tảng vững chắc giúp ngành Tài chính vươn mình, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và thịnh vượng của Đất nước.
Thứ trưởng khẳng định, khoa học là nền móng vững chắc cho quản lý tài chính hiện đại. Không chỉ là công cụ hỗ trợ, khoa học còn là hệ giá trị định hình tư duy, cách tiếp cận và khả năng giải quyết các vấn đề về kinh tế - tài chính. Việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn đã giúp ngành Tài chính triển khai hiệu quả nhiều hệ thống quan trọng như khai thuế điện tử, hải quan số, quản lý tài sản công, kiểm soát nợ công và phân tích rủi ro tài khóa.
Cùng với đó, khoa học cũng tạo điều kiện để đánh giá chính sách một cách khách quan, dựa trên các phương pháp định lượng và dự báo chính xác xu hướng tài chính trong tương lai. Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học tài chính cùng các trường đại học và viện nghiên cứu, chính là đầu tư cho năng lực nội sinh, nền tảng vững chắc của tài chính quốc gia.
Thứ trưởng cho rằng, hội nhập là động lực quan trọng thúc đẩy chuẩn hóa thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Tài chính. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, ngành Tài chính cần chủ động hội nhập trên nhiều phương diện, bao gồm kỹ thuật, pháp lý và tư duy quản trị. Việc thực hiện các chuẩn mực quốc tế như IFRS, BEPS; tham gia sâu vào các cơ chế tài chính đa phương; cũng như minh bạch hóa ngân sách và thị trường vốn không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc mà còn mở ra cơ hội để ngành Tài chính tiến hành cải cách, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả quản lý.
“Được ví như nguồn năng lượng tái tạo không ngừng của hệ thống tài chính công, đổi mới không chỉ dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật mà còn bao hàm cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, phương thức điều hành và cả văn hóa công vụ. Đổi mới chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia chủ động từ cơ sở từ các trường đại học về chương trình đào tạo, nâng cao năng lực số và tư duy hội nhập; các doanh nghiệp công nghệ tài chính - fintech cần tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại và cán bộ, giảng viên cùng nhà khoa học cần mạnh dạn đề xuất các sáng kiến gắn liền với thực tiễn chính sách”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, với truyền thống hơn 62 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính luôn xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nền tảng để hiện thực hóa chiến lược trở thành đại học nghiên cứu thuộc nhóm đầu khu vực.
Học viện đã chủ động ban hành Chiến lược phát triển giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045, trong đó hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là khâu then chốt, gắn với sứ mệnh: "Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội".
Cùng với nỗ lực đổi mới trong toàn Ngành, Học viện Tài chính luôn chú trọng và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị đối tác, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các thỏa thuận hợp tác đều hướng đến tăng cường gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên. Cùng với đó, thúc đẩy tư vấn và chuyển giao các mô hình quản trị hiện đại cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao tính thực tiễn trong đào tạo.
Thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai "nhà": Nhà trường và nhà tuyển dụng, Học viện có điều kiện nắm bắt kịp thời nhu cầu tuyển dụng thực tế, từ đó xây dựng lộ trình và chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu từ phía đơn vị sử dụng lao động. Song song với đó, Học viện cũng không ngừng lắng nghe phản hồi từ các doanh nghiệp để cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường thời lượng thực hành, thực tập cho sinh viên.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, Học viện đặc biệt chú trọng trang bị cho sinh viên kỹ năng, thái độ, rèn luyện tính kỷ luật và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Việc xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu sẽ giúp sinh viên thêm bản lĩnh, tự tin và chủ động hơn trong môi trường làm việc thực tế. “Chính sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp giúp công tác đào tạo của Học viện ngày càng sát với thực tiễn, đảm bảo đầu ra chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động”, PGS. TS. Nguyễn Đào Tùng khẳng định.
Theo PGS. TS. Nguyễn Đào Tùng, Học viện xác định rõ các định hướng trọng tâm trong hợp tác với các nhà tuyển dụng, gồm: cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo để gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn; chuyển giao tri thức và công nghệ quản lý thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu phù hợp với từng đối tác; thúc đẩy tài trợ học bổng, các khóa học kỹ năng mềm – kiến thức thực tế cho sinh viên; tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học, cuộc thi học thuật, dự án khởi nghiệp tiềm năng của sinh viên; hợp tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật và phần mềm phục vụ giảng dạy – học tập – nghiên cứu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Học viện Tài chính đã cùng trao và nhận thỏa thuận hợp tác với 18 đơn vị trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động hỗ trợ sinh viên, hoạt động truyền thông, trách nhiệm xã hội và phục vụ sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Học viện cũng tổ chức lễ trao học bổng Quỹ Phát triển Giáo dục Tâm - Tài - Chính với tổng trị giá 2,95 tỷ đồng cho các em sinh viên trong năm học 2024 - 2025. Đây là hoạt động thường niên nhằm tôn vinh những sinh viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện.
Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi và thảo luận những nội dung liên quan đến: tinh thần khởi nghiệp; giải pháp triển khai Nghị quyết số 57/NQ-TW tại Học viện Tài chính; đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Học viện Tài chính - cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội; quản trị doanh nghiệp trong kỷ nguyên AI - ứng dụng AI và dữ liệu thông minh trong điều hành doanh nghiệp; quy chế quản trị tài sản trí tuệ cho đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; chính sách tài chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Quỹ Phát triển Giáo dục Tâm - Tài - Chính được Học viện Tài chính sáng lập với sự đồng hành, đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, cựu sinh viên và các nhà hảo tâm. Qua từng năm, Quỹ đã trở thành biểu tượng cho sự gắn kết giữa Nhà trường - Doanh nghiệp - Xã hội trong hành trình hỗ trợ, nâng bước thế hệ trí thức trẻ. Đây không chỉ là sự đầu tư cho hiện tại, mà còn là cam kết bền vững vì tương lai phát triển của ngành tài chính - kinh tế quốc gia.