Thực hiện phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

Minh Đức

Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực dự trữ quốc gia và nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ.

Phân quyền, phân cấp đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác dự trữ quốc gia.
Phân quyền, phân cấp đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác dự trữ quốc gia.

Thông tư số 60/2025/TT-BTC ngày 27/6/2025 của Bộ Tài chính quy định về quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện phân quyền, phân cấp về nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia.

Đồng thời quy định việc nhập, xuất, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, cứu đói, khi giá cả tăng, giảm đột biến, phục vụ quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các nhiệm vụ khác Nhà nước giao. Nhập, xuất trong tình huống đột xuất, cấp bách; ngân sách Nhà nước chi cho mua hàng dự trữ quốc gia và chi hoạt động nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, bảo vệ, bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia.

Theo Thông tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các trường hợp: nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia hàng năm; nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ trong các tình huống dịch bệnh tại địa phương (khi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố công bố dịch);

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia để phục vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, cứu đói; Khi giá cả thị trường tăng, giảm đột biến; Đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh; Phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Hằng năm, cùng với thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước của năm sau, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng kèm dự toán ngân sách Nhà nước chi dự trữ quốc gia để mua hàng và chi cho hoạt động nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, bảo vệ, bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính quyết định.

Khi xảy ra tình huống cần xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ, Thủ trưởng bộ, ngành quản lý lĩnh vực, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản gửi bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và Bộ Tài chính quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ;

Văn bản đề nghị nêu rõ tình hình thiệt hại, nhu cầu cần thiết và căn cứ tính toán đề xuất số lượng hàng dự trữ quốc gia cần xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh về việc công bố dịch bệnh xảy ra tại địa phương (nếu có).

Trên cơ sở quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị dự trữ quốc gia, doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia thực hiện nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và tổ chức kiểm tra các đơn vị dự trữ quốc gia, doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia trong quá trình thực hiện xuất cấp, giao hàng.

Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện việc xuất hàng dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý.

Thông tư số 60/2025/TT-BTC cũng quy định rõ nhiệm vụ của bộ, ngành quản lý lĩnh vực, UBND cấp tỉnh trong việc phân bổ, tiếp nhận, phân phối hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ;

Đồng thời, quy định nhiệm vụ của đơn vị dự trữ quốc gia, doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia trong xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; Nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận, phân bổ hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; Hồ sơ, chứng từ, thủ tục giao hàng, nhận hàng dự trữ quốc gia cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; Quản lý, sử dụng hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định quy trình nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; Ngân sách Nhà nước chi cho nhập, xuất và chi phí nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia.

Cục Dự trữ Nhà nước chủ trì, phối hợp với bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, bộ, ngành quản lý lĩnh vực và UBND cấp tỉnh để kiểm tra việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia và việc sử dụng kinh phí nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các tình huống quy định tại Thông tư 60/2025/TT-BTC.

Các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện đối với các đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc, doanh nghiệp được bộ, ngành thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia và tổng hợp gửi Bộ Tài chính.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025 thay thế Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 2/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.