Trái phiếu Chính phủ đáp ứng 69% tổng huy động vốn vay của Chính phủ

Tuấn Thủy

Trong giai đoạn 2015-2023, tổng lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, đáp ứng 68,6% tổng huy động vốn vay của Chính phủ.

Phát triển cả chiều rộng và chiều sâu

Chiều ngày 05/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động và phát triển thị trường TPCP nhằm đánh giá kết quả đạt được trong 15 năm hoạt động thị trường và định hướng phát triển tới năm 2030.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, tố chức quốc tế, các cơ quan quản lý và vận hành thị trường, các tổ chức phát hành trái phiếu, ngân hàng, hiệp hội trái phiếu, các thành viên thị trường...

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường vốn, trong những năm qua, thị trường trái phiếu Việt Nam, nòng cốt là thị trường TPCP đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển của Chính phủ, các ngân hàng chính sách và chính quyền địa phương, là hình thức đầu tư an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, sau khi thị trường TPCP chuyên biệt được chính thức khai trương đi vào hoạt động năm 2009, Bộ Tài chính đã tập trung các giải pháp hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý và phát triển trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. 

“Chính phủ, Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển thị trường TPCP cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng được nhu cầu huy động vốn phát triển kinh tế của Chính phủ, cũng như nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt thu hút đa dạng hơn các nhà đầu tư tổ chức từ các qũy, nhà đầu tư nước ngoài”, bà Hiền chia sẻ.

Theo đó, khung khổ pháp lý cho thị trường TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương liên tục được đổi mới hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách và chính quyền địa phương huy động vốn. Trên cơ sở Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Chứng khoán, khung pháp lý về TPCP được ban hành đồng bộ theo hướng chuẩn hóa quy trình phát hành, lịch biểu phát hành, phương thức gọi thầu, công thức tính giá, thực hiện nghiệp vụ phát hành bổ sung, mở lại theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cơ quan quản lý tập trung hình thành hệ thống nhà tạo lập thị trường đóng vai trò tạo thanh khoản trên thị trường sơ câp và trên thị trường thứ cấp, triển khai các giải pháp thúc đẩy thị trường thứ cấp. Nhiều sản phẩm TPCP được phát triển với đầy đủ các kỳ hạn chuẩn, có kỳ trả lãi linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; phát triển các sản phẩm phái sinh trên TPCP để đa dạng hóa kênh đầu tư cho nhà đầu tư. Thời gian phát hành, niêm yết và giao dịch trái phiếu đến thanh toán được rút ngắn thời gian từ T+10 xuống T+2.

Thanh khoản ngày càng cải thiện

Trong giai đoạn 2015-2023, tổng lượng TPCP phát hành đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, đáp ứng 68,6% tổng huy động vốn vay của Chính phủ, trong đó, bình quân giai đoạn 2015-2020 huy động 255 nghìn tỷ đồng/năm, giai đoạn 2021-2023 huy động bình quân 277 nghìn tỷ đồng/năm.

Trái phiếu Chính phủ đáp ứng 69% tổng huy động vốn vay của Chính phủ - Ảnh 1

Trong 10 tháng năm 2024, Bộ Tài chính đã điều hành công tác phát hành TPCP chủ động, linh hoạt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho ngân sách nhà nước. Tính đến cuối tháng 10/2024, Kho bạc Nhà nước phát hành 302.246 tỷ đồng TPCP, bằng 75,6% kế hoạch cả năm.

Giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng trưởng hàng năm, từ mức 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên 11.200 tỷ đồng/phiên trong 10 tháng đầu năm 2024. Trong đó, giao dịch repo chiếm tỷ trọng 30%-50% tổng giá trị giao dịch.

Nhà đầu tư dài hạn tích cực đầu tư TPCP, tỷ lệ năm giữ có xu hướng ngày càng tăng. Tại thời điểm cuối quý III/2024, tỷ lệ năm giữ trái phiêu của các tô chức tài chính phi ngân hàng dài hạn là 60,5% (tăng khoảng 40% so với năm 2009). Hệ thống các nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng thúc đấy thanh khoản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho rằng, thị trường cần quan tâm hơn tới phát triển thị trường trái phiếu xanh, tiếp tục mở rộng hơn nữa các nhà đầu tư dài hạn vào thị trường như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ hưu trí..., đẩy mạnh đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường.