SHS: Tín hiệu ổn định từ dòng tiền ngoại
Trong làn sóng phục hồi của thị trường, SHS nổi lên không chỉ nhờ biên độ tăng giá mạnh mà còn bởi lực đỡ từ dòng tiền tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Diễn biến giao dịch cuối tháng 7 cho thấy, SHS đang được thị trường tái định vị như một cổ phiếu có nền tảng ổn định và hiệu suất hoạt động vượt trội.

Nhà ĐTNN trở lại, chọn mặt gửi vàng giữa “game nâng hạng”
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, với nhiều chỉ số tiệm cận vùng đỉnh cũ. Cùng thời điểm TTCK Việt Nam khai phiên giao dịch đầu tiên cách đây 25 năm – phiên 28/7/2000, VN-Index tăng mạnh lên 1.557,42 điểm – ghi nhận mức tăng 1,72% trong phiên giao dịch ngày 28/7/2025
Trong làn sóng tăng giá lan rộng, nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi bật nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường theo chuẩn FTSE. Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng được dòng vốn tổ chức lựa chọn. SHS là một trong số ít mã vừa tăng mạnh, vừa thu hút lực mua ròng đáng kể từ nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, phiên 28/7, SHS tăng 9,68% và ghi nhận khối ngoại mua ròng tới 2,812 triệu cổ phiếu, tương đương gần 57 tỷ đồng – cao nhất sàn HNX về cả khối lượng lẫn giá trị.
Theo dữ liệu giao dịch, từ đầu tháng 7 đến ngày 28/7, cổ phiếu SHS đã tăng 58%, từ mức 12.800 đồng lên 20.400 đồng/cp. Giao dịch hàng ngày duy trì ổn định trong khoảng 33–49 triệu cổ phiếu, cho thấy dòng tiền lớn tham gia đều đặn, không mang tính đầu cơ ngắn hạn. Việc nhà đầu tư tổ chức – đặc biệt là khối ngoại – gia tăng tỷ trọng SHS khi cổ phiếu đã tăng mạnh phản ánh mức độ tin cậy nhất định vào nội lực doanh nghiệp.
Hiệu quả tài chính là lý do thuyết phục nhất để mua vào
Đà tăng của SHS được củng cố bởi kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm. Doanh thu hoạt động đạt 1.255,4 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 788,7 tỷ đồng – hoàn thành 57,6% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận trước thuế lên tới 62,8% – mức cao hàng đầu trong ngành chứng khoán.
Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng tự doanh, với lợi nhuận gần 582 tỷ đồng từ danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL). Các khoản đầu tư chủ yếu nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành ngân hàng, tiêu dùng, năng lượng và hạ tầng – trùng với cấu trúc của nhiều quỹ ETF đang tái cơ cấu danh mục tại Việt Nam.

Ngoài tự doanh, doanh thu từ lãi cho vay và các khoản phải thu đạt 280,6 tỷ đồng (tăng 7,1% so với cùng kỳ), trong khi doanh thu môi giới đạt 123,4 tỷ đồng – duy trì ổn định bất chấp thị trường biến động mạnh. Tổng tài sản tính đến cuối quý II/2025 đạt gần 11.100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 5.100 tỷ – nền tảng vốn tương đối vững trong nhóm công ty chứng khoán quy mô trung bình.
Một chỉ số vận hành đáng chú ý là lợi nhuận bình quân trên mỗi nhân sự trong 4 quý gần nhất đạt 3,5 tỷ đồng/người – nằm trong nhóm cao nhất toàn ngành. Đây là yếu tố phản ánh năng lực quản trị, cũng như hiệu suất sử dụng nguồn lực mà nhiều quỹ tổ chức đang ngày càng quan tâm khi lựa chọn danh mục đầu tư trung – dài hạn.
Theo các chuyên gia, dòng vốn tổ chức thường ưu tiên những cổ phiếu hội đủ ba yếu tố: hiệu quả tài chính, sự cân bằng trong hoạt động và triển vọng tăng trưởng rõ ràng. SHS hiện tại đang đáp ứng được cả ba.
Tái định giá từ nền tảng thực và định hướng dài hạn
Thị trường dường như đang định giá lại SHS theo hướng tích cực hơn – dựa trên dữ liệu thực, không chỉ kỳ vọng. Trong bối cảnh thị trường đang khởi sắc trở lại, SHS đặt mục tiêu không chỉ tăng trưởng lợi nhuận, mà còn chuyển mình theo hướng phát triển dài hạn nhằm xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.
Theo chia sẻ mới đây từ Ban lãnh đạo, SHS sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược Service Branding – lấy phát triển bền vững làm trọng tâm, ưu tiên hiệu quả tài chính và tối đa hóa giá trị mang lại cho cổ đông, khách hàng. Lãnh đạo công ty nhấn mạnh, SHS hướng đến trở thành đơn vị đồng hành cùng khách hàng trong hành trình đầu tư, giúp họ hiểu rõ hơn về mục tiêu tài chính cũng như hành vi đầu tư phù hợp với chính mình.