Trí tuệ nhân tạo có thể “cứu” 70 tỷ USD mỗi năm trước thiên tai
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp thế giới tiết kiệm 70 tỷ USD mỗi năm từ nay đến 2050, nếu được ứng dụng hiệu quả trong hạ tầng chống chịu thiên tai, theo Deloitte.
Khi hạ tầng toàn cầu đứng trước lằn ranh đứt gãy
Bão, lũ lụt, cháy rừng, hạn hán là những cụm từ ngày càng quen thuộc trong bản tin thời sự cũng đồng nghĩa với hàng trăm tỷ USD thiệt hại cơ sở hạ tầng toàn cầu mỗi năm.
Theo báo cáo AI phục vụ tăng cường khả năng chống chịu của hạ tầng (AI for Infrastructure Resilience) mới công bố của Deloitte Toàn cầu, mức tổn thất do thiên tai được dự báo có thể lên tới 460 tỷ USD/năm trong 25 năm tới. Con số này không chỉ là cảnh báo tài chính, mà còn là hồi chuông báo động về khả năng chịu đựng của hệ thống hạ tầng toàn cầu trong thời kỳ thời tiết cực đoan đang trở thành “chuẩn mực mới”.

Bão và lũ lụt được xác định là hai loại thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng nhất, không chỉ đánh vào cấu trúc vật chất mà còn làm gián đoạn các hệ thống năng lượng, nước sạch, giao thông và viễn thông, những “huyết mạch” không thể thiếu cho hoạt động kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là: Liệu thế giới có thể làm gì để “nâng cấp sức đề kháng” cho hạ tầng trước thiên tai?
Deloitte tin rằng câu trả lời nằm ở một trong những công nghệ đột phá nhất thế kỷ 21, chính là AI. Nếu được triển khai chiến lược, AI có thể giúp cắt giảm đến 15% tổn thất hạ tầng mỗi năm, tương đương khoảng 70 tỷ USD. Xa hơn, khi các giải pháp được nhân rộng và tích hợp toàn diện hơn, mức giảm tổn thất có thể chạm ngưỡng 115 tỷ USD, gần bằng 1/3 chi phí thiên tai toàn cầu hiện nay. Điều này không chỉ là một khả năng, mà là một lựa chọn chiến lược cần được hiện thực hóa càng sớm càng tốt.
Theo báo cáo của Deloitte, AI có thể đóng vai trò khác biệt trong toàn bộ vòng đời hạ tầng, từ lập kế hoạch, ứng phó tới phục hồi sau thiên tai. Đây là lúc cần vượt qua vai trò “tiện ích phụ trợ” để AI trở thành một cấu phần thiết yếu trong kiến trúc hạ tầng hiện đại.
Khi AI trở thành lá chắn thông minh trước thiên tai
AI không chỉ là công cụ phân tích, mà còn là "bộ não kỹ thuật số" trong quy hoạch đô thị thông minh và mô phỏng rủi ro. Việc ứng dụng digital twins – mô hình bản sao kỹ thuật số, có thể giúp nhà quản lý đánh giá khả năng chịu lực, lộ trình gián đoạn và tác động môi trường trước cả khi công trình được xây dựng. Tại một số bang ở Mỹ và Úc, AI đã được tích hợp vào hệ thống theo dõi thảm thực vật xung quanh đường dây điện, giúp phát hiện nguy cơ cháy rừng từ sớm.
Khi thiên tai xảy ra, thời gian phản ứng là yếu tố sống còn. Các hệ thống cảnh báo sớm tích hợp AI có khả năng xử lý dữ liệu thời gian thực từ vệ tinh, camera, cảm biến thời tiết… và đưa ra cảnh báo chính xác với độ trễ tối thiểu.
Deloitte cho biết, tại Úc, AI đã góp phần giảm thiệt hại cháy rừng hàng năm khoảng 100–300 triệu USD nhờ phát hiện sớm và triển khai phản ứng nhanh.
Sau thiên tai, AI tiếp tục phát huy hiệu quả trong khâu đánh giá và tái thiết. Một ví dụ điển hình là công cụ OptoAI do Deloitte Consulting phát triển, giúp rút ngắn hơn 50% thời gian sửa chữa mái nhà, đồng thời tiết kiệm 15–30% vật liệu xây dựng thông qua phân tích tối ưu.
Tuy nhiên, để AI thực sự trở thành “lá chắn thông minh” trước thiên tai, cần một sự hợp lực mạnh mẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, ngành bảo hiểm - tài chính và cộng đồng công nghệ.
Chính phủ cần đưa ra tiêu chuẩn linh hoạt cho AI trong hạ tầng, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu rủi ro xuyên biên giới. Chủ đầu tư nên tích hợp giải pháp số xuyên suốt vòng đời tài sản, từ thiết kế đến vận hành. Các tổ chức tài chính có thể tận dụng AI trong mô hình định giá rủi ro và phát triển sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt. Trong khi đó, khối công nghệ cần đẩy mạnh đổi mới, phát triển các giải pháp điện toán phát thải thấp và sẵn sàng tích hợp vào các mô hình hạ tầng xanh.
Bà Jennifer Steinmann - Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Phát triển Bền vững của Deloitte Toàn cầu khẳng định, khả năng chống chịu được AI hỗ trợ có thể thay đổi cách thế giới phản ứng với thời tiết cực đoan. Đây là khoản đầu tư có ý nghĩa kép: vừa phòng ngừa tổn thất, vừa phục hồi nhanh và tiết kiệm hơn.
Còn theo ông Costi Perricos - Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn GenAI của Deloitte Toàn cầu, nếu AI được sử dụng đúng cách, sẽ không chỉ là một công nghệ, mà là thành lũy phòng thủ kinh tế của thế giới trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu.
Từ lời cảnh báo đến cơ hội hành động, báo cáo của Deloitte không chỉ phác thảo một viễn cảnh có thể đạt được, mà còn gửi gắm thông điệp cấp bách: Đầu tư vào AI trong hạ tầng không còn là lựa chọn tương lai, mà là nhu cầu hiện hữu để bảo vệ những gì căn bản nhất giữa sự sống còn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt.
Tìm hiểu báo cáo của Deloitte tại đây.