Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Ứng dụng AI trong học tập và nghiên cứu
Tại sự kiện Workshop chủ đề: “Ứng dụng AI trong học tập và nghiên cứu” đã mang đến cho sinh viên các kiến thức về ứng dụng AI trong việc tìm kiếm thông tin, lên kế hoạch học tập và nâng cao kỹ năng đọc sách, đồng thời tạo nên không gian giao lưu, chia sẻ tri thức giữa thầy cô và cộng đồng sinh viên.

Sáng ngày 21/4/2025, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức buổi Workshop với chủ đề: “Ứng dụng AI trong học tập và nghiên cứu”. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hàng trăm cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Tại buổi Workshop, ông Trần Anh Thơ- Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn Ngữ Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn thơ đã giới thiệu cuốn sách "35 năm hành trình Văn hoá, Ngôn ngữ, Giáo dục" nhằm lan toả tình yêu đọc sách đến các bạn sinh viên, cũng như trang bị các kỹ năng giúp sinh viên đọc sách, tóm tắt, bình luận sách tốt hơn. Bà Lưu Thị Hạnh, Phó Giám đốc thường trực Thư viện trường đã nhấn mạnh rằng, sách không chỉ là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, mà còn là người bạn đồng hành thân thiết trên hành trình học tập và phát triển của mỗi chúng ta.
Nhằm chia sẻ các tính năng của ứng dụng AI trong học tập và nghiên cứu, nhất là đối với các ứng dụng công nghệ ChatGPT, Grok vào thực tiễn, diễn giả Bùi Quang Hiếu, Giảng viên Đại Học FPT, CEO Software, CEO Global AI đã truyền tải nhiều kinh nghiệm bổ ích giúp sinh viên hiểu rõ hơn khái niệm và tiềm năng của Generative AI (Gen AI); ứng dụng AI tối ưu trong việc xây dựng tài liệu và nghiên cứu; huấn luyện kỹ năng sử dụng các công cụ AI hỗ trợ đọc sách hiệu quả.
Các diễn giả cũng đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh nội dung về ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy, tạo nội dung Fanpage; thiết kế ảnh hoặc tranh trang trí, xử lý văn bản, dịch thuật, sáng tạo kịch bản, nghiên cứu thị trường, làm chủ Excel và phân tích dữ liệu, tạo slide thuyết trình tự động; viết sách, luận văn, xử lý văn bản và dịch thuật bằng AI; Dùng AI tạo ảnh, video cực “nghệ” hay có thể biến AI thành “gia sư ảo” của riêng bạn như sử dụng Al để thiết kế bài giảng trực quan, hấp dẫn; phát triển các công cụ học tập cá nhân hóa dựa trên AI...
Có thể nói, chỉ trong 2 giờ, các sinh viên sẽ “lên trình” với kỹ năng sử dụng AI ứng dụng vào học tập, nghiên cứu, sáng tạo một cách thực tế, hiệu quả và có chiều sâu.

Tại sự kiện, Chương trình Mini game với chủ đề: “Sắp xếp sách nghệ thuật theo chủ đề” đã trao các giải thưởng bằng hiện vật là sách cho các sinh viên, học viên tham dự trả lời đúng các câu hỏi xung quanh chủ đề về trí tuệ AI áp dụng vào học tập và nghiên cứu...
Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng thiết thực, không chỉ tôn vinh giá trị của sách mà còn nuôi dưỡng tinh thần tự học, khám phá và sáng tạo trong kỷ nguyên mới, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường, đồng thời tạo nên không gian giao lưu, chia sẻ tri thức giữa thầy cô và cộng đồng sinh viên.
Trước đó ngày 16/4, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng chính thức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025. Chương trình do Trung tâm Thư viện và Văn phòng Đề án đào tạo liên thông quốc tế đồng tổ chức.
Tham dự sự kiện có GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường; Thầy Trần Đức Minh, Phó Hiệu trưởng; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân; Anh hùng Lao động, Nhà văn, Đạo diễn cao cấp Minh Chuyên; Ông Phạm Văn Thắng, thành viên Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; cùng các khách mời, lãnh đạo các đơn vị và thầy cô giáo cùng đông đảo sinh viên trong nhà trường.