VRG kiến nghị loạt giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng hai con số
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (VRG) đề xuất một loạt giải pháp và nhiệm vụ góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững trong văn bản báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc mới đây.

Năm 2024 đạt vượt mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh
Báo cáo về kết quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2024, VRG cho biết tổng doanh thu và thu nhập khác dự kiến đạt 28.843 tỷ đồng, bằng 115,4% kế hoạch và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 5.915 tỷ đồng, đạt 144,1% kế hoạch và cao hơn 43,8% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 5.103 tỷ đồng, bằng 148,5% kế hoạch và cao hơn 51,3% so với năm 2023, nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn là 6.268 tỷ đồng, đạt 158,3% kế hoạch và tăng 54,6% cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư, giải ngân vốn đầu tư toàn Tập đoàn ước đạt 6.182 tỷ đồng/kế hoạch 6.393 tỷ đồng, bằng 96,7%/kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân năm 2024 của người lao động toàn Tập đoàn trên 11 triệu đồng/người/tháng, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tập đoàn cũng đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và vùng biên giới góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như đảm bảo việc làm và .đời sống cho người lao động, bao gồm đồng bào dân tộc và cư dân bản địa trong khu vực dự án tại nước bạn Lào và Campuchia.

Các dự án đầu tư nước ngoài của VRG tại Lào và Campuchia có hiệu quả tốt. Cụ thể, tại Campuchia, tổng số vốn Tập đoàn đã đầu tư tính đến 31/12/2024 là 694 triệu USD với diện tích cao su là 87.871,5 ha, trên địa bàn 7 tỉnh của Campuchia. Tại Lào, tổng số vốn Tập đoàn đã đầu tư là: 179,34 triệu USD với diện tích cao su là: 26.644,66 ha, trên địa bàn 5 tỉnh biên giới giữa Lào và Việt Nam.
Về đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tính đến cuối năm 2024, Tập đoàn có 16 nhà máy sản xuất gỗ, 6 công ty sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su với tổng doanh thu đạt gần 7.000 tỷ đồng. Đầu tư 4 nhà máy thủy điện với tổng công suất thiết kế đạt 134,9 MW, tổng sản lượng điện sản xuất thương mại là 6.845,72 triệu kWh.
Tập đoàn có 11 công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đầu tư vào 14 KCN trên đất cao su, tổng diện tích đất cao su chuyển đổi hơn 4.200 ha. Ngoài ra, Tập đoàn đang triển khai thực hiện 13 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên đất cao su theo hình thức luân canh và chuyển đổi cây trồng.
Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững
Với đặc thù hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu doanh thu của Tập đoàn phần lớn phụ thuộc vào sản xuất cao su, chiếm trên 80% tổng nguồn thu. VRG khẳng định rất cần có cơ chế mở để Tập đoàn tập trung đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Để vượt qua những khó khăn thách thức trong năm 2025 và những năm tới, góp phần hoàn thành kế hoạch chiến lược sản xuất kinh doanh và đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, Tập đoàn đề xuất loạt giải pháp như sau:
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì vị trí là Tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, chế biến, kinh doanh cao su trên thế giới; duy trì đạt năng suất mủ hàng đầu so với các quốc gia trồng cao su trên thế giới. Tập trung hoàn thành cấp chứng nhận phát triển rừng bền vững VFCS/PEFC, toàn bộ các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xanh, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch; xây dựng tín chỉ Carbon cho toàn bộ diện tích vườn cây cao su để nâng cao giá trị và hiệu quả. Với diện tích 380.000 ha cao su do Tập đoàn quản lý, tổng trữ lượng Carbon dự kiến của rừng cây cao su khoảng 21.154.193,46 tấn CO2.
VRG cũng kiến nghị được tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cao su tại Lào khoảng 30.000 ha và tại Campuchia khoảng 40.000 ha nhằm tăng cường tích lũy đất đai và tăng hiệu quả kinh tế.
Thứ hai, tập trung các nguồn lực để phát triển các KCN theo các mô hình KCN hiện đại mới, KCN xanh, KCN sinh thái tuần hoàn, góp phần tăng cường thu hút vốn FDI đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn trên thế giới. Tập đoàn kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư phát triển các dự án KCN/CCN trên đất cao su với tổng diện tích khoảng 7.500 ha trong giai đoạn (2025 - 2030), với tổng mức đầu tư khoảng 75.000 tỷ đồng. đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận hàng năm ước đạt lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, sau năm 2030 là 6.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Dự kiến thu hút dòng vốn đầu tư FDI khoảng 50 tỷ USD.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung ngành nghề kinh doanh và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch và điện, bao gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối (ngoài sản xuất kinh doanh thủy điện đã có) sau khi các dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Theo tính toán, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 150.000 tỷ đồng; hiệu quả của các dự án năng lượng tái tạo dự kiến sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của VRG với doanh thu dự kiến hàng năm khoảng 01 tỷ đồng/lMW và lợi nhuận khoảng 0,5 tỷ đồng/MW.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn, phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su, xây dựng nhà ở xã hội…