Yêu cầu Thái Bình khẩn trương giải ngân vốn cho Dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng
Do quá trình lựa chọn nhà đầu tư đã mất rất nhiều thời gian, Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, khẩn trương giải ngân theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả nguồn vốn ngân sách trung ương đã được bố trí cho Dự án.

Đây là một trong những nội dung trong Thông báo số 197 ngày 24/4 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Dự án thành phần 1 cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư.
Theo thông báo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đã mất rất nhiều thời gian.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẩn trương rà soát, hoàn tất các công việc, bảo đảm đủ điều kiện khởi công xây dựng công trình theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu hai lãnh đạo tỉnh Thái Bình tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, sát sao, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trúng thầu tích cực tập trung triển khai theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và an toàn công trình, giữ đúng và vượt tiến độ thực hiện Dự án, phấn đấu hoàn thành đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Về việc giải ngân vốn của Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, khẩn trương giải ngân theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả nguồn vốn ngân sách trung ương đã được bố trí.
Liên quan đến công tác gọi thầu và lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án, trong báo cáo mới nhất vừa được UBND tỉnh Thái Bình gửi Chính phủ, UBND tỉnh Thái Bình cho biết đã phát hồ sơ từ tháng 11/2024 và mở thầu vào tháng 1/2025 (sau đó tiếp tục gia hạn) nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia dự thầu.
Đợt gọi thầu lần 2 (từ ngày 3/2 đến ngày 4/4 vừa qua) cũng không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.
Chỉ khi UBND tỉnh Thái Bình cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 14/4 mới có một nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
UBND tỉnh Thái Bình cho biết, đến ngày 22/4, các sở, ngành chức năng của tỉnh này vẫn đang tổ chức đánh giá, thẩm định hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để xác định nhà đầu tư trúng thầu theo quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện khởi công Dự án, đại phương này dự kiến khởi công xây dựng Dự án trong khoảng thời gian từ 12/5 đến 16/5 nhân dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Dự án do việc bố trí và giải ngân vốn trung ương sẽ gặp nhiều khó khăn do quá trình lựa chọn nhà đầu tư trước đó đã kéo dài.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9 km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6 km, qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3 km, dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2027.
Dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư cho đoạn tuyến bao gồm cả lãi vay là 19.784 tỷ đồng; trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp thu xếp là 10.447,55 tỷ đồng (52,81%); vốn ngân sách Trung ương 6.200 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Thái Bình là 1.462 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh Nam Định là 1.6750 tỷ đồng.
Đoạn tuyến cao tốc trên được thiết kế theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc, 4 làn xe, nền rộng 24,75 m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Trên tuyến có 23 cầu, 4 cầu vượt ngang tại các nút giao liên thông, 2 trạm dừng nghỉ tại địa bàn huyện Trực Ninh (Nam Định) và địa bàn huyện Kiến Xương (Thái Bình)./.
Theo quy hoạch, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có tổng chiều dài khoảng 109 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng được xác định có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối các tỉnh khu vực Nam sông Hồng, khu vực Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, kết nối các tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Hồng.
Tuyến cao tốc hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.