Công nghiệp bán dẫn: Bệ phóng mới cho vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Tại Việt Nam, vốn FDI đang tập trung vào các lĩnh vực có giá trị cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn. Những khoản đầu tư chiến lược vào lĩnh vực này đóng vai trò then chốt giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiếp tục đưa Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hướng tới các ngành đem lại giá trị gia tăng cao
Tại Việt Nam, nguồn vốn FDI hướng vào lĩnh vực sản xuất đang được thúc đẩy bởi nhu cầu sản xuất và lắp ráp mang tính giá trị gia tăng. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn chính là trọng tâm của quá trình chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam hiện nay.
Thay vì thu hút các ngành thâm dụng lao động, hiện nay Việt Nam đang trở thành điểm đến của các khoản đầu tư công nghệ cao quy mô lớn.
Theo các chuyên gia Savills Việt Nam, sở hữu lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, cùng việc tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang hình thành một môi trường đầu tư hấp dẫn, đáp ứng được cả yêu cầu của các nhà đầu tư về chi phí cạnh tranh và tính ổn định lâu dài.
Theo đó, ngành sản xuất tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 67% trong tổng số 38,2 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong năm 2024. Trong đó, tổng vốn đầu tư sản xuất mới đăng ký đạt 13,4 tỷ USD, đến từ 1.169 dự án.
Đáng chú ý, nguồn vốn này được đa dạng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với 17% tổng FDI sản xuất mới, tiếp theo là Hồng Kông (15%) và Hàn Quốc (9%).
Xét theo lĩnh vực, điện tử và thiết bị điện lần lượt dẫn đầu với tỷ trọng lần lượt là 27% và 14%.
Những con số này cho thấy FDI hướng vào lĩnh vực sản xuất đang được thúc đẩy bởi nhu cầu sản xuất và lắp ráp mang tính giá trị gia tăng.
Công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực “át chủ bài”
Trọng tâm của quá trình chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam hiện nay chính là ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhận thức được tầm quan trọng mang tính chiến lược của lĩnh vực này, Chính phủ đã triển khai lộ trình đầy tham vọng kéo dài đến năm 2050, với mục tiêu không chỉ phát triển năng lực lắp ráp chip mà còn mở rộng sang các hoạt động nghiên cứu và thiết kế (R&D).
Trong giai đoạn 2024 – 2030, Việt Nam đạt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài song song với xây dựng năng lực cạnh tranh nội địa, hướng đến đào tạo hơn 50.000 kỹ sư và hình thành 100 doanh nghiệp thiết kế chip.
Tới năm 2040, tầm nhìn của Việt Nam là đạt được khả năng tự chủ với nhiều cơ sở sản xuất và kiểm định chip trong nước, hướng tới vị thế dẫn đầu trong ngành bán dẫn.
Ông John Campbell, Giám đốc, Trưởng bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội cho rằng, để trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn, Việt Nam cần vượt qua giai đoạn lắp ráp cơ bản, cần tham gia sâu vào khâu nghiên cứu và thiết kế, đồng thời hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ giá trị gia tăng từ 25% trở lên trong toàn bộ quy trình sản xuất bán dẫn.
Thông tin từ Savills Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, các doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành như Intel, OnSemi, Hana Micron và Amkor Technology đã cam kết đầu tư hơn 1,07 tỷ USD để xây dựng nhà máy đóng gói bán dẫn tại Bắc Ninh.
Một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng chú ý khác bao gồm nhà máy trị giá 383,33 triệu USD của Foxcom Circuit Precision và dự án trị giá 4,9 triệu USD của công ty BE Semiconductor Industries (BESI) từ Hà Lan, dự kiến triển khai tại Khu vực công nghệ cao TP.HCM trong năm 2025.
Chuyên gia của Savills Việt Nam cho rằng, việc tập trung vào các lĩnh vực có giá trị cao không chỉ nâng cao năng lực của ngành công nghiệp Việt Nam mà còn thúc đẩy chuyển giao tri thức và công nghệ.
“Những khoản đầu tư chiến lược này đóng vai trò then chốt giúp nâng cap chất lượng nguồn nhân lực và tiếp tục đưa Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông John Campbell nhận định./.