Cần khoảng 664 tỷ đồng đầu tư hệ thống cảng biển Cà Mau

Lưu Thủy

Các dự án được ưu tiên đầu tư cho hệ thống cảng biển Cà Mau gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải (khu neo chờ, tránh, trú bão, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành và khu bến cảng biển (đầu tư bến cảng LNG, kho nổi tại khu vực biển Tây phục vụ trung tâm điện khí LNG Cà Mau).

Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Cà Mau đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 1,4 triệu tấn đến 3,5 triệu tấn. Ảnh: Namsao
Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Cà Mau đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 1,4 triệu tấn đến 3,5 triệu tấn. Ảnh: Namsao

Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 956/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Cà Mau gồm các khu bến: Năm Căn; Ông Đốc; bến cảng Hòn Khoai; bến cảng ngoài khơi cửa sông Đốc; bến cảng LNG và kho nổi tại khu vực biển Tây; các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.

Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Cà Mau đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 1,4 triệu tấn đến 3,5 triệu tấn; hành khách từ 3,1 nghìn lượt khách đến 3,3 nghìn lượt khách.

 

Quyết định phê duyệt quy hoạch khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.

Khuyến khích tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.

Về kết cấu hạ tầng, cảng biển Cà Mau có tổng số 3 bến cảng gồm 4 cầu cảng với tổng chiều dài 240 m; xác định phạm vi vùng đất, vùng nước phù hợp với quy mô bến cảng và đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Cà Mau đáp ứng lượng hàng hóa thông qua với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 %/năm đến 6,1 %/năm; hành khách với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 %/năm đến 1,25 %/năm.

Kết cấu hạ tầng nơi đây tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

Về nhu cầu vốn đầu tư, hệ thống cảng biển Cà Mau đến năm 2030 cần khoảng 664 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 500 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 164 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Quyết định khuyến khích đầu tư đồng thời khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạ tầng cảng biển (bến cảng, luồng tàu, đê, kè chắn sóng...) để nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác.

Quyết định cũng quy định cần có chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế để đẩy nhanh lộ trình đầu tư khai thác các bến cảng thuộc cảng biển Cà Mau theo quy hoạch được duyệt; đồng thời tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách về giá, phí tại cảng biển để tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cập nhật các quy hoạch của địa phương; quản lý, bố trí quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cầu, bến cảng.

Bộ cũng kiến nghị địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch cảng biển và các định hướng phát triển giao thông kết nối cảng biển trong quy hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị xây dựng, môi trường, quốc phòng, an ninh để giải quyết các vấn đề có liên quan theo quy định trong quá trình chấp thuận, cấp phép đầu tư bến cảng, cầu cảng…