Nghị quyết số 68-NQ/TW:

Cần tháo rào cản, tiếp sức cho kinh tế tư nhân bứt phá

Thùy Linh

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã khẳng định rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để khu vực này thật sự bứt phá, cần tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn và có chính sách thuế ổn định, minh bạch, thúc đẩy khởi nghiệp và đầu tư dài hạn.

Ông Hoàng Văn Thiềng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu đã có những chia sẻ với Tạp chí Kinh tế - Tài chính xung quanh vấn đề này.

Ông Hoàng Văn Thiềng.
Ông Hoàng Văn Thiềng.

Phóng viên: Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về vai trò này trong bối cảnh hiện nay?

Ông Hoàng Văn Thiềng: Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Trong thực tiễn, kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò rất lớn trong việc tạo việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Riêng trong ngành Du lịch – dịch vụ mà chúng tôi đang hoạt động, khu vực tư nhân là lực lượng chủ lực trong đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Sau đại dịch COVID-19, chúng tôi chứng kiến rõ hơn bao giờ hết năng lực thích ứng nhanh nhạy và sức phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân. Nếu được tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đồng bộ và nhất quán, tôi tin rằng kinh tế tư nhân sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ là một trong những động lực mà sẽ là động lực trung tâm trong tăng trưởng quốc gia.

Phóng viên: Theo ông, đâu là những rào cản lớn nhất hiện nay đang cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đang hướng tới tháo gỡ?

Ông Hoàng Văn Thiềng: Trên thực tế, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhưng doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những rào cản lớn nhất mà chúng tôi thường xuyên gặp phải là về quản lý hành chính.

Có một thực tế, doanh nghiệp như chúng tôi dù luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, tuân thủ các quy định pháp lý về kinh doanh nhưng đôi khi vẫn gặp rắc rối bởi sự chồng chéo trong quản lý của quá nhiều cơ quan chức năng. Điều này khiến chúng tôi mất nhiều thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư.

Tiếp theo là khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều khi doanh nghiệp có ý tưởng tốt, thị trường rõ ràng, tài sản đảm bảo có, nhưng vẫn bị “ách” ở khâu thủ tục vay vốn.

Tôi rất kỳ vọng Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ dừng lại ở định hướng mà phải là cú hích về thể chế, cải cách hành chính thực chất và thay đổi tư duy quản lý theo hướng phục vụ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân.

Phóng viên: Theo ông, cần có những thay đổi cụ thể nào trong chính sách thuế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân?

Ông Hoàng Văn Thiềng: Chính sách thuế là một trong những công cụ điều tiết quan trọng, đồng thời cũng là yếu tố tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp. Trước hết, tôi cho rằng cần tiếp tục cải tiến thủ tục thuế theo hướng đơn giản hóa, số hóa và minh bạch. Hệ thống kê khai, hoàn thuế, quyết toán… nên đồng bộ và dễ thực hiện.

Về nội dung chính sách, cần có các gói ưu đãi thuế ổn định và có lộ trình rõ ràng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như du lịch sinh thái, công nghiệp xanh, công nghệ cao. Một doanh nghiệp khi được miễn giảm thuế trong 3-5 năm đầu có thể đầu tư mạnh hơn vào phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, từ đó tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Phóng viên: Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì để chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng hiệu quả, thực chất hơn?

Ông Hoàng Văn Thiềng: Theo tôi, đầu tiên cần xác lập một cơ chế đối thoại thường xuyên và chính thức giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân với Chính phủ và chính quyền địa phương. Những buổi gặp gỡ mang tính thực chất, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp theo từng ngành, từng địa phương sẽ giúp chính sách đi đúng hướng và tránh được tình trạng ban hành rồi “nằm trên giấy”.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ cần được thiết kế có mục tiêu, có tiêu chí đánh giá rõ ràng và công khai. Chẳng hạn, nếu có gói hỗ trợ lãi suất, thì tiêu chí doanh nghiệp đủ điều kiện cần rõ ràng, minh bạch và không nên phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, miễn là có phương án kinh doanh hiệu quả.

Thứ ba, Nhà nước cần đóng vai trò “kiến tạo”; cơ quan quản lý nên tập trung vào xây dựng hệ sinh thái kinh doanh công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh lành mạnh. Khi doanh nghiệp thấy môi trường ổn định, công bằng, họ sẽ tự khắc đầu tư và phát triển.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!