Chưa có quy định ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa

Hữu Hòe

Theo Bộ Tư pháp, hiện chưa có quy định ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, doanh nghiệp tạo tác động xã hội…

Chưa tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước thuận tiện

Ngày 6/5, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị về Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Dự thảo Báo cáo Tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ năm 2018, Bộ Tư pháp đã xây dựng và vận hành Trang tin điện tử Hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn). Từ khi vận hành chính thức đến nay, Trang tin đã cập nhật, đăng tải 262 tin, bài, tài liệu phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin pháp lý của doanh nghiệp. Các chuyên mục của Trang tin cơ bản phù hợp với mục tiêu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

Cùng với đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã xây dựng chuyên mục, mục riêng về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp hoặc lồng ghép nội dung về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên chuyên mục liên quan thuộc cổng/trang tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương, tạo điều kiện tiếp cận kịp thời hơn với các thông tin, văn bản, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời, cung cấp thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chuyên mục, chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo Bộ Từ pháp, qua 5 năm thực hiện Nghị định, trong phạm vi lĩnh vực quản lý, các bộ, cơ quanTrung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo... nhằm triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Một số địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng và triển khai đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; ban hành nghị quyết quy định định mức chi của địa phương cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quy chế phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Hiện chưa có quy định ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Hiện chưa có quy định ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ Tư pháp, một số quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã bộc lộ bất cập, chưa tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định được kịp thời, thuận tiện.  

Hiện chưa có quy định ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tạo tác động xã hội…

Mặt khác, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP mới chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa bao phủ hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Ngoài ra, đa số bộ, ngành chưa công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật; chi phí hỗ trợ còn thấp, thủ tục rườm rà.

Cần gỡ khó để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống

Để khắc phục những tồn tại trên, theo ông Lê Vệ Quốc- Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, cần thiết ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

Mặt khác, các cơ quan cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mình trong chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chủ động trao đổi, thảo luận để làm rõ vướng mắc hiện nay như khó khăn về chính sách, tiếp cận nguồn lực… từ đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ thiết thực, hiệu quả.

“Thời gian tới, các bộ, ngành cần tập trung xây dựng chương trình, đôn đốc và theo dõi quá trình thực hiện, bảo đảm chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, có tác động tích cực. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp, giúp họ phát triển theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mới được ban hành”, ông Quốc đề xuất.