Đề xuất nâng gấp 10 lần hạn mức giao dịch qua các tài khoản Tiền di động

Hương Dịu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến từ các tổ chức và cá nhân đối với Hồ sơ xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ Tiền di động (Mobile-Money). Trong đó, Dự thảo Nghị định đề xuất nâng tổng hạn mức giao dịch lên mức tối đa 100 triệu đồng/tháng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Hơn 10 triệu tài khoản, giao dịch vượt 6.400 tỷ đồng

Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) sau hơn 3 năm triển khai đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

 

Để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với ngôn ngữ thuần Việt, NHNN đề xuất chỉnh sửa lại tên dự thảo Nghị định thành: "Nghị định quy định về dịch vụ Tiền di động"; dịch vụ Mobile-Money (tên gọi dịch vụ trong giai đoạn thí điểm) là dịch vụ Tiền di động.

Theo Dự thảo Tờ trình Thủ tướng về Nghị định của NHNN, tính đến cuối tháng 12/2024, tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ Tiền di động là hơn 10,22 triệu tài khoản.

Trong đó số lượng tài khoản của khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 7,31 triệu tài khoản (chiếm khoảng 72% tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Tiền di động của khách hàng từ khi triển khai thí điểm lũy kế đến cuối tháng 12/2024 (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 193,89 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 6.435 tỷ đồng.

Hơn nữa, NHNN cho biết, tại cuộc họp tổng kết 2 năm thí điểm vào tháng 10/2023, đại diện Bộ Công an đã báo cáo chưa ghi nhận bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào từ việc lợi dụng hoạt động thí điểm dịch vụ này, cho thấy cơ chế quản lý rủi ro ban đầu đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, NHNN cho rằng, việc duy trì dịch vụ Tiền di động sẽ là một phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng tại các đơn vị chấp nhận thanh toán.

Tăng hạn mức để thêm hấp dẫn

Một trong những thay đổi đột phá nhất nằm ở hạn mức giao dịch. Trong giai đoạn thí điểm, hạn mức tối đa chỉ là 10 triệu đồng/tháng/khách hàng.

Theo NHNN, hạn mức này chưa phù hợp với nhu cầu thực tế và làm giảm tính hấp dẫn của dịch vụ so với các phương thức khác; đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đề xuất tăng hạn mức này.

Vì thế, theo Dự thảo Nghị định, NHNN dự kiến tổng hạn mức giao dịch qua các tài khoản Tiền di động của một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ Tiền di động (bao gồm giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán theo quy định lên tối đa 100 triệu đồng trong một tháng.

Quy định tại này không áp dụng đối với các giao dịch thanh toán: Thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; điện; nước; viễn thông; các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ; học phí; viện phí; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí bảo hiểm theo quy định tại; chi trả các khoản nợ đến hạn, quá hạn, lãi và các chi phí phát sinh cho ngân hàng.

NHNN cho rằng, quy định này tạo ra sự linh hoạt rất lớn, giúp dịch vụ Tiền di động trở thành một công cụ thanh toán tiện lợi hơn cho các nhu cầu hàng ngày của người dân.

Doanh nghiệp viễn thông được "bắt tay" ngân hàng

 

Dự thảo Nghị định đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về quản lý tài khoản.

Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ Tiền di động bắt buộc phải duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán tại các ngân hàng hợp tác, sao cho không thấp hơn tổng số dư của tất cả các tài khoản Tiền di động đã phát hành cho khách hàng tại cùng một thời điểm.

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ về quy trình giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống trong suốt quá trình vận hành.

Bên cạnh đó, rào cản về đối tượng khách hàng cũng được gỡ bỏ. Quy định trước đây yêu cầu SIM phải hoạt động liên tục ít nhất 3 tháng mới được đăng ký dịch vụ, thì dự thảo Nghị định đã loại bỏ yêu cầu này, chỉ quy định khách hàng là cá nhân sử dụng số thuê bao di động đã đăng ký thông tin chính chủ.

Dự thảo Nghị định cũng cho phép các doanh nghiệp viễn thông phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán thông qua việc hợp tác với các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Qua đó giúp các nhà mạng tận dụng được mạng lưới đối tác rộng lớn sẵn có của các ngân hàng, giúp Tiền di động được chấp nhận thanh toán tại nhiều điểm hơn trong thời gian ngắn hơn, tạo ra một hệ sinh thái thanh toán liền mạch và rộng khắp.

Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dùng, dự thảo Nghị định cũng thiết lập một cơ chế quản lý nhà nước đa ngành, với trách nhiệm của các Bộ, ngành được phân định rõ ràng.