Doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược phù hợp để đạt mục tiêu tăng trưởng mới
Các Tập đoàn, Tổng công ty quán triệt và triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, cần chủ động xây dựng phương án, phấn đấu hoàn thành và vượt mức kế hoạch đã đề ra.

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các xu thế mới
Ngày 21/7, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá, 6 tháng đầu năm 2025, mặc dù tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, song các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, nhiều dự án, nhiệm vụ còn tồn đọng đã được tháo gỡ, khai thông và đạt được kết quả tích cực.
Điểm lại một số kết quả nổi bật của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu 6 tháng đầu năm, như tổng doanh thu ước đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, ước đạt 50,3% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, đạt 60,9% kế hoạch. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch.
Điều đó cho thấy sự phục hồi và thích ứng tích cực của khu vực doanh nghiệp nhà nước. “Đây cũng là những là những tín hiệu tích cực để chúng ta có cơ sở để đạt được các mục tiêu đặt ra trong thời gian tới”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến tiến độ giải ngân đầu tư phát triển; công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp còn gặp vướng mắc; quản trị doanh nghiệp, công khai minh bạch thông tin ở một số đơn vị chưa đạt yêu cầu.
Bộ trưởng đánh giá, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm rất nặng nề và cấp bách, đặc biệt chỉ tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp nhằm đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước là từ 8,3 - 8,5% trong năm 2025 là một thách thức rất lớn. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn, các Tập đoàn, Tổng công ty quán triệt và triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, cần chủ động xây dựng phương án, phấn đấu, nỗ hoàn thành và vượt mức kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, trên cơ sở các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng mới, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cũng như xây dựng các giải pháp phù hợp. Thực hiện xây dựng các giải pháp đánh giá thị trường, mở rộng thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ, chủ động ứng phó với các rào cản thương mại mới, xu hướng thị trường mới, giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh.
"Đây không chỉ là câu chuyện của 6 tháng cuối năm mà còn đặt ra cho chúng ta trong nhiều năm tới. Ví dụ, trong bối cảnh hiện nay, nếu Petrolimex không có xoay chuyển về chiến lược kinh doanh từ bây giờ thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn, bởi vì xu hướng hạn chế sử dụng xe xăng. Vì vậy, chúng ta phải chủ động ứng phó với tình hình, thay đổi mới, chiến lược mới phù hợp trên cơ sở tuân thủ Luật số 68/2025/QH15”, Bộ trưởng nêu.
Tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển
Đối với việc triển khai Luật 68/2025/QH15, Bộ trưởng yêu cầu, khẩn trương rà soát, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Nghị định liên quan; theo đó, Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước hoàn thiện Nghị định chi tiết bám sát với thực tiễn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với đó, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là năng lượng, xăng dầu, vận tải, an ninh lương thực. Nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực. Đồng thời, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, coi đây là giải pháp đột phá để tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tiếp tục rà soát, tháo gỡ ngay các vướng mắc về chính sách trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm có tính lan tỏa lớn, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và vốn doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về tiền lương, công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
Bộ trưởng lưu ý thêm, hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Đề án Phát triển kinh tế nhà nước, trong đó nội hàm là doanh nghiệp Nhà nước. "Trong Đề án này, dự kiến sẽ làm rõ quan điểm về đầu tư vốn của nhà nước vào các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp vừa kinh doanh, vừa làm nhiệm vụ chính trị hay những doanh nghiệp đơn thuần, sẽ có các quan điểm rõ ràng về việc đầu tư, thoái vốn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp ý kiến từ thực tiễn nhằm tiếp tục xác định rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò dẫn dắt, định hướng và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Đối với các kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng Công ty, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát và xử lý nhanh nhất các kiến nghị, đề xuất của các Tập đoàn, Tổng Công ty hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Trong đó, đặc biệt lưu ý các yếu tố liên quan đến triển khai kế hoạch kinh doanh, kịch bản tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư của doanh nghiệp…